Trao đổi tại Hội nghị Khoa học Dược lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai mở rộng lần thứ hai diễn ra ngày 26/6 tại Hà Nội, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: "Mục tiêu của chúng ta không chỉ là cung ứng đủ thuốc, thuốc có chất lượng cho người dân mà còn sử dụng thuốc phải hợp lý, an toàn, hiệu quả… góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Mục tiêu nhằm hướng tới không gây ra tai biến, không có sự cố về thuốc; sử dụng thuốc hợp lý phù hợp với những hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị, dược thư quốc gia, phù hợp với hướng dẫn của nhà sản xuất, phù hợp với từng mặt bệnh, người bệnh... lĩnh vực dược lâm sàng ra đời là sự hỗ trợ hướng tới giải quyết những vấn đề này".
Theo đó, nếu trước đây việc kê đơn của bác sĩ không có giám sát, kiểm tra của dược sĩ, nên có vấn đề tương tác thuốc, tai biến của thuốc, thầy thuốc chưa kịp cập nhật dẫn đến người bệnh khi sử dụng dễ có nguy cơ tai biến do sử dụng thuốc. Tuy nhiên từ khi có lĩnh vực dược lâm sàng, có sự kiểm soát của dược sĩ, bác sĩ kê đơn, thậm chí dược sĩ đọc lại và giúp phát hiện những vấn đề tương tác thuốc. Có khi bác sĩ kê không đúng thuốc theo phác đồ, dược sĩ sẽ giúp bác sĩ điều chỉnh. Qua đó cho thấy vai trò của dược lâm sàng đã hỗ trợ, tư vấn cho bác sĩ để chỉ định thuốc, dùng thuốc an toàn hiệu quả, chính xác.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay nhiều bệnh viện đã và đang thực hiện mô hình làm việc nhóm giữa bác sĩ dược sĩ, điều dưỡng… và lấy tiêu chí người bệnh làm trung tâm. Điều này đã khẳng định vai trò của của dược sĩ lâm sàng trong công tác phối hợp điều trị như: Cung cấp thông tin thuốc, hỗ trợ bác sĩ kê đơn, lựa chọn thuốc tối ưu, theo dõi, phát hiện xử trí các biến cố do thuốc xảy ra trên người bệnh.
Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, hoạt động dược lâm sàng được triển khai mạnh mẽ tại nhiều khoa, đơn vị. Các dược sĩ đã tham gia đưa ra những ý kiến tư vấn xác đáng trong việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho các bác sĩ điều trị. Thông qua hoạt động này, vai trò của dược sĩ lâm sàng đã được nhìn nhận tại các khoa lâm sàng và trong toàn bệnh viện, dược sĩ lâm sàng đã tham gia trực tiếp vào công tác điều trị, đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý cho người bệnh thể hiện qua số lần tham gia hội chẩn theo yêu cầu của khoa lâm sàng và tham gia hội chẩn toàn viện từ dưới 100 ca vào năm 2015 tăng lên trên 700 ca vào năm 2019.
Đặc biệt, để phát triển lĩnh vực dược lâm sàng trong bệnh viện, việc ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử cũng đang được Bộ Y tế thí điểm và sẽ mở rộng triển khai trong thời gian tới.
Cũng theo ông Cao Hưng Thái, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, thời gian tới sẽ phải triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc nói chung, trong đó có ứng dụng phần mềm kê đơn điện tử. Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt và giao cho Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với các bệnh viện tổ chức thí điểm phần mềm kê đơn điện tử.
Theo đó, những đơn điện tử do bác sĩ kê, người bệnh có thể tra cứu sử dụng trên mạng dễ dàng, hoặc đến nhà thuốc chỉ cần nhớ mã có thể nhà thuốc sẽ tra cứu được đơn thuốc đó để bán cho người bệnh; đồng thời cũng kiểm soát đơn thuốc đó, quản lý giúp người bệnh trong quản lý sử dụng thuốc.
Đến nay, phần mềm này đã được thí điểm tại một số bệnh viện lớn như Bạch Mai và các bệnh viện tại Hưng Yên, Hà Tĩnh… Sau khi đánh giá hiệu quả thí điểm, phần mềm này sẽ tiếp tục triển khai mở rộng, nhất là tại tuyến huyện, dự kiến từ đầu năm 2021.
Khi ứng dụng công nghệ sẽ giúp hỗ trợ việc quản lý sử dụng thuốc kháng sinh trong bệnh viện hiệu quả mà sẽ loại bỏ được việc bác sĩ kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc.