Phát biểu tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa trong hành trình đảm bảo tài chính bền vững cho công tác chăm sóc, điều trị, dự phòng bệnh lao tại Việt Nam. “Từ ngày hôm nay (1/7/2022), các cơ sở khám chữa bệnh lao trên toàn quốc bắt đầu cấp thuốc lao được mua sắm, thanh toán từ nguồn ngân sách bảo hiểm y tế cho bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung: “Bệnh lao là một bệnh lâu đời, nhưng đến nay vẫn là căn bệnh làm chết hàng chục ngàn người mỗi năm, ngang với tử vong do tai nạn giao thông, trong khi chúng ta đã có các phương tiện kỹ thuật để phát hiện sớm và đủ thuốc để điều trị các thể lao kể cả lao kháng thuốc”.
Thông kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, năm 2015, tại Việt Nam, ước tính có đến 17.000 người tử vong do lao. Đến năm 2020, ước tính chỉ còn 9.400 người. “Có được kết quả như vậy là thành tựu của công cuộc phòng, chống bệnh lao do Chính phủ đã đưa Dự án chống lao vào Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2015 - 2020, tiếp nối của Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn trước năm 2015”, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia nhấn mạnh.
Với xu thế toàn cầu cùng với lợi thế của hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt Chương trình Chống lao quốc gia từ Trung ương đến địa phương hoạt động hiệu quả trong những năm qua, mục tiêu chấm dứt bệnh lao là có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và khả thi khi tập trung chỉ đạo để duy trì và phát huy những thành tựu đã triển khai, đặc biệt là cung cấp thuốc điều trị bệnh lao miễn phí cho tất cả những người mắc bệnh lao trong toàn quốc được thực hiện hơn 20 năm qua thông qua nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, với cơ chế tài chính thay đổi do nguồn ngân sách hạn hẹp, mức kinh phí được phê duyệt hàng năm sẽ không đảm bảo tính bền vững của việc cung ứng thuốc chống lao miễn phí - nhân tố chủ lực trong việc chấm dứt bệnh lao theo khuyến cáo của WHO, việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để thanh toán chi phí đối với thuốc chống lao là lựa chọn tất yếu. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao đã có chỉ đạo tại Công văn số 9662/VPCP-KGVX ngày 31/12/2021 về việc điều chỉnh thời điểm thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế từ ngày 1/7/2022.
Với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các đối tác khác, từ cuối năm 2020, Chương trình Chống lao quốc gia đã xây dựng lộ trình chuyển giao thuốc lao vào Bảo hiểm y tế và khẩn trương thực hiện lộ trình nhằm đảm bảo thuốc lao được mua sắm, thanh toán, cung cấp cho bệnh nhân lao từ nguồn ngân sách bảo hiểm y tế bắt đầu từ 1/7/2022.
Chương trình Chống lao quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đối tác nhằm vận động xây dựng chính sách, xây dựng các hướng dẫn chuyển giao thuốc lao thanh toán bảo hiểm y tế và đẩy nhanh quá trình mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc chống lao hàng 1 sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế và công tác khám chữa bệnh, thanh toán thuốc lao qua bảo hiểm y tế đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
Trong thời gian tới, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và các đối tác để hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh lao tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện kiện toàn tổ chức khám chữa bệnh lao đáp ứng các điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý sử dụng, cung ứng, điều tiết thuốc lao qua bảo hiểm y tế.