Điển hình như hộ anh Bùi Xuân Thắng ở xã Tân Tiến được nhiều người dân địa phương biết đến từ một thanh niên tay trắng đã xây dựng lên cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ với nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm và còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.
Năm 2011, anh Bùi Xuân Thắng quyết định khởi nghiệp với hành trang có trong tay chỉ là “dòng máu nghề” của gia đình. Được Đoàn thanh niên địa phương tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng sự hỗ trợ người thân, anh Thắng đã thuê mặt bằng để mở cơ sở sản xuất gia công đồ gỗ mỹ nghệ.
Ban đầu mới thành lập cơ sở do tay nghề còn hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng người tiêu dùng nên khả năng cạnh tranh trên thị trường rất khó khăn. Tuy nhiên, với lòng quyết tâm học hỏi, đến nay cơ sở sản của anh Thắng đã phát triển đa dạng các sản phẩm như tượng thờ, tượng linh thú, trong đó chủ yếu là tượng cóc thần tài, Tam Đa, Di Lặc, Quan Ông… Theo đó, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của cơ sở anh Thắng được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương ưa chuộng đặt hàng ngày càng nhiều. Vài năm gần đây, trung bình mỗi tháng, cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ của anh Thắng nhận từ 10 - 15 hợp đồng đặt hàng, mỗi hợp đồng có giá trị từ vài chục triệu đến vài trăm triệu tùy vào mẫu mã đơn hàng.
Anh Thắng chia sẻ: “Tôi quyết định khởi ngiệp mở cơ sở sản xuất đồ gỗ lúc đầu rất khó khăn từ tay nghề đến vốn. Mỗi khi làm ra sản phẩm bán ra, tôi tiếp tục đầu tư mua thêm nhiều loại thiết bị máy móc như máy cưa, máy nén khí để phun sơn, các loại máy bào, khoan, đánh bóng gỗ để mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, để tạo ra những sản phẩm độc đáo, đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng, tôi đã dành nhiều thời gian, công sức đi đến thăm các địa danh đình, đền, chùa, miếu ở nhiều địa phương để tham khảo các kiểu kiến trúc, điêu khắc từ thời xưa... và sau đó mô phỏng theo”.
Anh Thắng cũng cho biết, anh mong muốn truyền đạt lại nghề truyền thống này cho các đoàn viên thanh niên địa phương đang phụ việc tại cơ sở, để cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị đẹp của nghề mộc.
Cũng ở huyện biên giới này, Bí thư Chi đoàn ấp 5, xã Hưng Phước Nguyễn Duy Phương là một người có ý chí vươn lên, làm giàu cho bản thân bằng sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với tinh thần chịu khó cùng ý chí quyết tâm vượt khó làm giàu, năm 2017 từ 2 ha vườn cằn cỗi của gia đình, đến nay đã được anh Phương phủ xanh bởi 1.500 trụ tiêu đang cho thu hoạch và 500 trụ đang trong giai đoạn sắp thu hoạch cùng 300 cây cao su, mang lại cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để có được kết quả này, anh Phương đã sử dụng phương châm "lấy ngắn nuôi dài" như trồng cây ngắn ngày kết hợp chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh Phương nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế bằng cách chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong và ngoài địa phương; đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Đoàn Thanh niên xã tổ chức; thường xuyên tìm hiểu trên các trang mạng và những tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài các mô hình khởi nghiệp của anh Thắng, anh Phương, trên địa bàn huyện còn có nhiều mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên khác đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Phó Bí thư Huyện đoàn Bù Đốp, Tạ Minh Tâm phấn khởi chia sẻ: Nhiều ý tưởng khởi nghiệp đến nay đã trở thành gương sáng tuổi trẻ noi theo. Tổ chức Đoàn cũng là nhân tố thổi lửa, truyền lửa cho thanh niên và là cầu nối để thanh niên khởi nghiệp tiếp cận những nguồn lực khác nhau. Các khóa tập huấn về khởi nghiệp; các chương trình đối thoại giữa lãnh đạo, các phòng, ban, ngành, doanh nghiệp với đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ thanh niên thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt… là nguồn lực cho ý tưởng thành công này, đặc biệt là nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bù Đốp có gần 100 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, có mức thu nhập hàng năm đạt từ 50 triệu đồng trở lên, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.