Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn những tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo, dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk phát triển sản xuất. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực: Năm 2022, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 26,74% xuống còn 23,08%, giảm 3,66% so với cuối năm 2021, đạt 104,6% kế hoạch; năm 2023, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 19,70%.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Có nội dung rộng, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý của nhiều ngành nên khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh về quy định, nội dung hướng dẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cho rằng, đối với dự toán vốn sự nghiệp hằng năm, Trung ương giao chi tiết đến Dự án, Tiểu dự án thành phần và theo lĩnh vực chi của từng chương trình, làm hạn chế sự linh hoạt của địa phương trong việc xây dựng phương án phân bổ chi tiết dự toán đảm bảo phù hợp với khả năng triển khai thực hiện. Phạm vi, đối tượng của Chương trình quá rộng, mục tiêu đề ra giải quyết quá nhiều nội dung từ kinh tế - xã hội đến quốc phòng an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng nguồn lực thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng, đủ nhu cầu hỗ trợ thực hiện cho các đối tượng, phạm vi của Chương trình; việc triển khai đồng loạt nhiều chính sách, nhiều nội dung hỗ trợ sẽ gây khó khăn, phức tạp, phân tán nguồn lực đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, một số quy định, hướng dẫn trong thực hiện Chương trình còn gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách Trung ương và mức hỗ trợ tối thiểu từ ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung như đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt thuộc Dự án 1 của Chương trình. Quy định nêu trên phần nào gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện do khả năng đối ứng và huy động các nguồn lực hợp pháp khác của địa phương để cùng với nguồn vốn hỗ trợ theo định mức nêu trên thực hiện các nội dung hỗ trợ khó khả thi, không đảm bảo phát huy hiệu quả.

Để khắc phục phần nào khó khăn và thực hiện hiệu quả Chương trình, thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương tham mưu giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ phần vốn phân bổ sau thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) và năm 2024; tập trung hoàn thiện thủ tục kéo dài vốn đầu tư phát triển và dự toán kinh phí sự nghiệp đối với phần vốn kế hoạch 2022 và 2023 chưa giải ngân hết trong năm 2023 để tiếp tục triển khai thực hiện năm 2024; đồng thời, rà soát để trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán, kế hoạch từ những nội dung, dự án không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện giải ngân theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình được quy định cụ thể trong Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hàng năm; chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn đã được giao; chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; quản lý giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình; kịp thời đề xuất, điều chỉnh các nguồn vốn theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội và quy định của pháp luật về đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, góp phần giải ngân hết số vốn được giao đúng thời gian quy định.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên để tỉnh có cơ sở áp dụng, triển khai thực hiện Chương trình; bổ sung, hướng dẫn về phương pháp xác định cụ thể định mức đất sản xuất để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo tính chặt chẽ trong thi hành pháp luật về trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách về đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc “Đảm bảo tất cả các xã, thôn thuộc diện đầu tư được phân bổ vốn của tiểu dự án” tại khoản 1 Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc cho phù hợp với quy định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuấn Anh (TTXVN)
Rà soát các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Rà soát các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN