Nguồn vốn và giải pháp bền vững cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có nhu cầu giải ngân, nông dân có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, nhưng sự bấp bênh của một nền nông nghiệp nhỏ lẻ là rào cản khiến dòng vốn không chảy mạnh vào nông nghiệp. Nền nông nghiệp “thiếu vốn” từ đó cũng không mở rộng về quy mô cũng như tăng tính bền vững, an toàn để hình thành một nền sản xuất lớn...

Rào cản từ sản xuất nhỏ

Một trong những vấn đề tồn tại chính đối với nông nghiệp ĐBSCL đó chính là quy mô sản xuất nhỏ, rủi ro cao cả về chất lượng sản phẩm cũng như thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Trong khi cho vay nông nghiệp thường có lãi suất thấp, mà rủi ro lại cao nên khiến các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng buộc phải dè dặt trong điều kiện vay vốn. Điều này dẫn đến hệ lụy dù ngân hàng muốn giải ngân nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nhưng nông dân cũng khó tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Thu hoạch lúa ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Theo Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành, do đặc điểm của nền nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún, giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo lại có giá trị thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước, mặt khác, pháp luật lại chưa quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính...) trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao... nên nông dân gặp khó khăn trong việc tìm tài sản thế chấp để vay vốn.


Các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, khi cho vay đầu tư nông nghiệp thì khách hàng phải dùng tài sản thế chấp rõ ràng, quy mô lớn để tránh rủi ro. Còn nếu tài sản nhỏ lẻ thì khó cho vay vì liên quan tới cá nhân người quyết định cho vay và các đánh giá của cơ quan tố tụng, thi hành án. “Lãi suất thấp nhưng rủi ro lớn" trở thành rào cản khiến nông dân khó tiếp cận được nguồn vốn, ngân hàng cũng khó khai thông dòng vốn vào nông nghiệp.


Tái cơ cấu nông nghiệp được xem là giải pháp đột phá làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hơn 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các tỉnh vẫn chưa tạo được chuyển biến đáng kể nào. Quy mô nền nông nghiệp ở vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước vẫn dừng ở mức độ nhỏ lẻ. Đời sống nông dân vẫn bấp bênh theo từng “cơn giá”, đầu ra sản phẩm nông nghiệp vẫn “phập phù” theo thương lái...


Đa phần các địa phương còn rất lúng túng trong việc quy hoạch vùng sản xuất, xác định sản phẩm thế mạnh và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chính vì thế nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng để đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững.


Ngành ngân hàng dù đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cả nước và khu vực này phát triển sản xuất kinh doanh như triển khai tích cực các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng; thực hiện chương trình tín dụng xanh; thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao... nhưng nguồn vốn vẫn chưa được khai thông để tạo ra một diện mạo mới cho nền nông nghiệp.


Một trong những nguyên nhân khác khiến nền nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi thực trạng của một nền nông nghiệp nhỏ lẻ đó chính là chính sách hạn điền. Trung bình mỗi nông dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ sở hữu khoảng 0,7 ha/hộ, nên rất khó áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường.


Mặc dù cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có, nhưng số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn rất hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ước tính hiện chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về cơ chế chính sách, đặc biệt là rào cản chính sách liên quan đến đất đai.


Thực tế cho thấy, vấn đề tích lũy đất đai để mở rộng sản xuất luôn gặp những rào cản lớn từ chính sách đất đai hiện nay. Ngoài việc Luật Đất đai quy định hạn mức giao đất và hạn mức chuyển nhượng đối với sản xuất nông nghiệp, thì chính sách cho thuê đất nông nghiệp với thời hạn 5 năm đã khiến nông dân không dám đầu tư lớn để mở rộng quy mô sản xuất vì rủi ro quá cao. Ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng không chấp nhận rủi ro nên không thể gắn kết với nông dân để cùng phát triển lâu dài.


Các giải pháp đồng bộ


Chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp tuy chưa tạo ra sự thay đổi toàn diện nền nông nghiệp vùng ĐBSCL, nhưng ở một số nơi, một số địa phương đã manh nha hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả và có tính bền vững.

Đưa lúa về sân phơi ở chợ nông sản Thanh Bình (Đồng Tháp).

Từ thực tế tỉnh Đồng Tháp cho thấy, việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có thể thực hiện một cách hợp lý, hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2016, Đồng Tháp đã có 95.539 ha cánh đồng liên kết, chiếm 18% diện tích xuống giống toàn tỉnh với 55.920 hộ tham gia. Kết quả, năng suất lúa vụ đông xuân - hè thu đạt 6,8 đến 7,2 tấn/ha, giá bán 4.600 đến 4.700 đồng/kg. Mô hình giảm giá thành sản xuất giống lúa Jasmine ở hợp tác xã (HTX) An Phong (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) đã giúp cho năng suất trung bình vụ hè thu - thu đông đạt 7,98 tấn/ha (tăng 0,48 tấn/ha), giá thành sản xuất 2.176 đồng/kg (giảm 798 đồng/kg), lợi nhuận 26 triệu đồng/ha, tăng 7,4 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.


Ngoài ra, tỉnh xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ với hai giống lúa IR 50404, VD 20, giúp nông dân giảm giá thành từ 10 đến 20%, tăng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho hạt gạo; mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa vụ thu đông cho năng suất 6,3 tấn/ha, lợi nhuận đạt 15,2 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 3,1 triệu đồng/ha. Các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lúa; canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu... cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Tuy nhiên, để hình thành những mô hình sản xuất mới, vấn đề cốt lõi mà nông dân cũng như địa phương gặp phải đó chính là nguồn vốn. Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cái khó hiện nay của địa phương là thiếu nguồn vốn đầu tư. Điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi còn hạn chế, cho nên số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư còn quá ít. Cụ thể như tại Hậu Giang, nhu cầu nguồn vốn đầu tư năm 2017 cần khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng khả năng phân bổ thực tế chỉ gần 1.200 tỷ đồng. Do đó nhiều chương trình, dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, không thể triển khai được.


Các chuyên gia cũng cho rằng, để khai thông nguồn vốn tín dụng, đòi hỏi nhà nước phải có những chính sách dài hơi, tạo nền tảng, hạ tầng mang tính bền vững cho phát triển nông nghiệp, từ đó nguồn vốn tín dụng mới có thể phát huy hiệu quả trên từng mô hình, dự án sản xuất cụ thể, giảm bớt rủi ro cho ngành ngân hàng cũng như cho nông dân.


Thực tế cho thấy, dù nông nghiệp được xem là một trong những ngành có thế mạnh phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn còn thấp trong khi các sản phẩm nông nghiệp của nước ta đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vấn đề xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu chưa được chú trọng thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản chưa được quan tâm đúng mức.


Việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ đáp ứng được 88% nhu cầu vốn của vùng; hoạt động tín dụng còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn vốn, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, trong khi bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xuất khẩu chưa phát triển.


Tại nhiều nơi, hoạt động tín dụng vẫn chủ yếu do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Vẫn còn tình trạng người dân kêu thiếu vốn, chưa vay được vốn theo nhu cầu. Tỷ trọng vốn cho vay trung, dài hạn thấp, đang có xu hướng giảm, đến nay mới chiếm dưới 30% tổng dư nợ của vùng. Hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng, chất lượng tín dụng chưa cao, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chưa kể một số thủ tục, quy trình cho vay của nhiều tổ chức tín dụng chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều vùng nông thôn, nhiều đối tượng hộ gia đình. Các tổ chức tín dụng cho vay chủ yếu vẫn dựa trên tài sản thế chấp, thiếu linh hoạt, cơ chế điều chuyển vốn nội bộ và cơ chế giao các chỉ tiêu khoán kinh doanh vẫn cứng nhắc.


Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng – Ngân hàng Nhà nước, để nguồn vốn tín dụng phát huy được hiệu quả trong việc phát triển nền nông nghiệp ĐBSCL, đòi hỏi Chính phủ nên có cơ chế riêng về nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được chủ động hơn để mở rộng các chương trình tín dụng chính sách, cho vay các đối tượng ở vùng nông thôn nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.


Ngân hàng Nhà nước cũng cần có một số cơ chế linh hoạt hơn nữa nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cạnh tranh mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn... Đồng thời, tiếp tục có biện pháp cụ thể khuyến khích các tổ chức tín dụng cạnh tranh, mở rộng mạng lưới hoạt động ở nông thôn. Các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các ngành, lĩnh vực, các mặt hàng chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Trong đó, cần thực sự quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong trong quá trình cho vay vốn đối với người dân và doanh nghiệp. Ngoài sản phẩm dịch vụ tốt, các ngân hàng phải tạo thuận lợi về thủ tục trong việc cho vay vốn.


Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục có cơ chế điều chuyển vốn nội bộ, cơ chế giao khoán chỉ tiêu kinh doanh phù hợp hơn với vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng giảm lãi suất hay phí điều hòa vốn, tăng tỷ lệ điều hòa vốn... và thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, gia tăng việc huy động vốn dài hạn với mức độ hợp lý hơn để tránh rủi ro thanh khoản.


Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam: Tăng cường vốn cho ĐBSCL

Có thể nói trong mấy năm vừa qua, đặc biệt hai năm gần đây, cùng với việc huy động các nguồn lực bằng tiền để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, NHNN đã có rất nhiều cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực, đặc thù đối với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, được xem là thế mạnh của vùng như sản xuất hàng hóa lớn, chuỗi liên kết, xuất khẩu... Trong thời gian tới, quan điểm của NHNN là vẫn tiếp tục theo hướng tạo điều kiện một cách tích cực nhất cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm giải bài toán cân đối vốn cho khu vực ĐBSCL. Trên thực tế trong nhiều năm qua, nhu cầu tín dụng cao nhưng vốn cân đối tại chỗ của khu vực này mới chỉ đáp ứng được 70 - 72%. Vì thế, thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường vốn từ các nơi khác về đây đầu tư cho các dự án trọng điểm, chương trình hiệu quả; đặc biệt tạo điều kiện cho DN có thể chủ động về vốn khi mở rộng sản xuất kinh doanh. NHNN cũng đang chỉ đạo một cách quyết liệt các tổ chức tín dụng, nhất là các đơn vị trên địa bàn ĐBSCL phải đi đầu. Ngân hàng phải cải cách mạnh mẽ hơn trong việc tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn dễ dàng thuận lợi trong thủ tục, quy trình. Và đặc biệt có sự quan tâm đến ưu đãi lãi suất đối với những đối tượng, lĩnh vực cần ưu đãi đã và đang được quy định. Tiếp tục thực hiện, mở rộng những chương trình tín dụng được xem là điểm sáng như: chương trình tín dụng xanh ĐBSCL, cho vay dự án ứng dụng công nghệ cao, hay liên kết giữa người sản xuất, chế biến và tiêu dùng...

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nguồn vốn đặc thù cho phát triển

Nếu đặt vấn đề nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL mà mới chỉ nói đến nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thì chưa đủ. Để có đủ nguồn lực vốn cho sự phát triển vùng ĐBSCL cần thiết phải nhìn nhận trong tổng thể tái cấu trúc toàn nền kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Theo đó, các bộ, ngành và Chính phủ cần có những đánh giá sâu hơn về những yếu tố liên quan đến tài chính đầu tư vào khu vực ĐBSCL. Cần làm rõ hơn các cơ chế khuyến khích, các định chế tài chính ngoài ngân hàng đầu tư vào khu vực đồng bằng, làm rõ các tiêu chí về ưu tiên, ưu đãi đầu tư. Mở rộng các hoạt động tài chính như cho thuê tài chính nông nghiệp hoặc đầu tư bằng các nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính cần có kế hoạch giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để dành các phần vốn đặc thù cho vùng ĐBSCL bên cạnh nguồn tín dụng ưu đãi theo các chương trình tín dụng đã có.


Lê Hiền/Báo Tin Tức
Cứu đồng bằng sông Cửu Long trước nạn sạt lở nghiêm trọng
Cứu đồng bằng sông Cửu Long trước nạn sạt lở nghiêm trọng

Dưới tác động của sóng biển suốt ngày đêm, dải bờ biển khu vực Bạc Liêu và Cà Mau ngày càng sạt lở nghiêm trọng. Ước tính, trong hơn 300 km bờ biển của hai tỉnh này có hơn 100 km được khoanh vùng báo động sạt lở...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN