Cụ thể, tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 12 quy định: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng.
Theo Điều 6 Nghị định này, mức phạt trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với tổ chức vi phạm, mức phạt được tính gấp 2 lần.
Như vậy, nếu không công khai thang lương, bảng lương, quy chế thưởng, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt cao nhất đến 10 triệu đồng, doanh nghiệp sẽ bị phạt gấp đôi lên đến 20 triệu đồng.
So với mức phạt trước đây tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 28/2020, mức phạt mới tại Nghị định 12/2022 đã tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, mức phạt này cũng áp dụng với các vi phạm tương tự khác liên quan đến trả lương cho người lao động như: Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức; Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng; Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định; Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo phản ánh từ thực tế, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã chấp hành đúng Bộ Luật Lao động khi công khai quy chế lương thưởng, trong đó có thưởng Tết nhưng cũng rất nhiều đơn vị không công bố, công khai, minh bạch dẫn đến thắc mắc, khiếu nại.
Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021 đã quy định về việc công khai quy chế thưởng như sau: Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.