Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Theo điểm c Khoản 2 Điều 62 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, người học được miễn học phí khi học các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo Khoản 19 Điều 15 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đối tượng được miễn học phí là "Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định."
Theo Điều 10 của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Danh mục này cũng nằm trong nhóm các ngành, nghề đặc thù.
Các Nghị định này đều đề cập tới các yêu cầu, điều kiện hỗ trợ chính sách của nhà nước đối với đầu tư, người học và nhà giáo trong giáo dục nghề nghiệp có liên quan tới danh mục ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, hiện nay danh mục này chưa được ban hành. Vì vậy, để nhà nước có thể đầu tư trọng tâm, trọng điểm và có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, khuyến khích việc học tập, giảng dạy thì cần phải xác định được danh mục các ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù.
Việc ban hành Danh mục ngành, nghề đặc thù sẽ khuyến khích người học tăng cường vào học các ngành, nghề có tính đặc biệt, riêng biệt, có tính phức tạp cao, đòi hỏi chuyên môn sâu ở lĩnh vực ngành, nghề; có tính chất quan trọng, trọng điểm, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội; ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người học; ngành nghề xã hội có nhu cầu hoặc cần bảo tồn nhưng khó tuyển sinh; ngành, nghề đòi hỏi đào tạo chuyên sâu trong thời gian dài, người học phải có năng khiếu hoặc năng lực chuyên biệt… Các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo những ngành, nghề này sẽ góp phần tăng thu nhập của người lao động, ổn định cuộc sống.
Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất Danh mục các ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù, bao gồm:
1. Mã số (thống nhất với Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
2. Tên gọi ở trình độ trung cấp (thống nhất với Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), bao gồm 454 ngành, nghề.
3. Tên gọi ở trình độ cao đẳng (thống nhất với Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), bao gồm 257 ngành, nghề.