Cháy rừng do tự nhiên cũng là một loại hình thiên tai
Ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Theo đó, bên cạnh các loại hình thiên tai như quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, những hiện tượng tự nhiên bất thường sau đây cũng được định nghĩa là thiên tai: Gió mạnh trên biển; Sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán; Cháy rừng do tự nhiên; Sương mù.
Từ ngày Luật này có hiệu lực, người làm công tác phòng, chống thiên tai tại các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cũng được xác định là nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai.
Theo quy định cũ, Quỹ phòng, chống thiên tai là Quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Tuy nhiên, theo quy định mới, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách bao gồm: Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.
Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Luật này sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều 2006, Luật Phòng, chống thiên tai 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung 37 Luật liên quan đến quy hoạch 2018.
Sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị sử dụng đến hết năm 2022
Đây là nội dung mới được Quốc hội thông qua tại Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020.
Luật này quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Theo đó, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này đến hết ngày 31/12/2022. Luật Cư trú 2020 đã bãi bỏ toàn bộ các thủ tục về: Cấp đổi Sổ hộ khẩu; Cấp lại Sổ hộ khẩu; Cấp giấy chuyển hộ khẩu. Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các thủ tục: Tách Sổ hộ khẩu; Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu; Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú… Bên cạnh đó, thời hạn giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian.
Nếu như hiện nay, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo Luật mới tối đa là 7 ngày. Đáng chú ý, Luật Cư trú 2020 cũng đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20); tức là, không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, Luật mới cũng bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú, đó là:
Một là, vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù…
Hai là, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định pháp luật…
Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh về thoả thuận quốc tế
Đây là nội dung mới trong Luật Thỏa thuận Quốc tế chính thưc có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Luật này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Cụ thể, Luật Thỏa thuận quốc tế mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ. Vì vậy, Luật đã bổ sung thêm điều khoản quy định rõ tính chất của thỏa thuận quốc tế để phân biệt với điều ước quốc tế và với các hợp đồng, thỏa thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư. Đồng thời, Luật đã bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Ngoài ra, Luật bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư, trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm thỏa thuận quốc tế loại này.
Bổ sung thêm đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính
Ngày 16/11/2020, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Cụ thể, người nhiễm HIV phải thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng với mình thay vì người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết như quy định cũ.
Bên cạnh đó, Luật mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm các đối tượng sau: Người nhiễm HIV; Người sử dụng ma túy; Người bán dâm; Người có quan hệ tình dục đồng giới; Người chuyển đổi giới tính; Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; Người di biến động; Phụ nữ mang thai…
Ngoài ra, Luật mới cũng sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng thực hiện xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ là người dưới 15 tuổi, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021.