Theo đó, hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi, về của các tàu của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có đăng ký tàu cá thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và DK1 tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm với các mức từ 18 - 100 triệu đồng/chuyến, tùy công suất tàu. Ngoài ra, Quyết định 48 còn quy định việc hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu…
Ông Ngô Văn Linh, ngụ ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ông có 1 tàu công suất 700CV, hành nghề câu mực, mặc dù trước đó ông và một số ngư dân đánh bắt ở vùng biển nhà giàn DK1,Trường Sa, Hoàng Sa có được hỗ trợ tiền xăng dầu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng từ năm 2022 đến nay gia đình ông cùng các ngư dân khác tại xã Bình Châu vẫn chưa được tỉnh giải ngân hỗ trợ. "Chúng tôi ra khơi đánh bắt ngày càng gặp nhiều khó khăn, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt ngư dân ra khơi đánh bắt liên tục thua lỗ, luồng ra khơi bị bồi lấp… Nên chúng tôi rất mong muốn sớm nhận được tiền hỗ trợ từ Quyết định 48 để đời sống bà con ngư dân phần nào bớt khó khăn", ông Ngô Văn Linh chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Khương, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, có tàu đánh bắt xa bờ công suất 450CV hành nghề câu mực, cũng cho biết: "Mọi năm, cứ đến gần Tết là chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền xăng dầu theo Quyết định 48 nhưng 2 năm nay không biết vì sao chúng tôi không còn được hỗ trợ".
Ông Nguyễn Trung Khương cho biết, tàu của ông nhận được hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 trong 2 năm 2020 và 2021, với công suất 450CV, tàu ông được hỗ trợ xăng dầu 300 triệu đồng/năm, cộng thêm với 1,8 triệu đồng hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên/năm. "Chúng tôi rất trông chờ chính sách hỗ trợ xăng dầu, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên… của tỉnh sớm giải ngân để chúng tôi có động lực vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc", ông Khương bày tỏ.
Theo bà con ngư dân đánh bắt tại các vùng biển nhà giàn DK1, Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi chuyến biển từ bờ chạy ra khu vực nói trên khoảng 200 hải lý, đi - về tốn từ 800 - 1.000 lít dầu, cộng với các phí tổn khác mất khoảng 50 triệu đồng. Vùng biển này nước sâu, ít cá, mực, hiệu quả khai thác hải sản thấp. Các phí tổn này chủ tàu đều phải bỏ ra trước, thậm chí đi vay mượn mà 2 năm nay vẫn chưa được giải ngân khiến ngư dân đã khó càng thêm khó.
Vừa qua, báo cáo với UBND tỉnh, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sở đang thực hiện tổng rà soát lại công tác này để tránh các trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách như đã từng xảy ra. Công tác rà soát phải làm với số lượng hồ sơ lớn nên đã chậm trễ, đến tháng 1/2024 mới hoàn thành thẩm tra 860 hồ sơ với tổng số tiền hơn 52,6 tỷ đồng của năm 2022 và chuyển cho Sở Tài chính thực hiện chi trả.
Tuy nhiên, do thời gian chuyển hồ sơ trễ, hết niên độ năm tài chính, không có kinh phí chi trả nên Sở Tài chính đã gửi công văn cho Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn bố trí dự toán năm 2024 để chi trả cho nội dung này. Ngay sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính, Sở Tài chính sẽ tiến hành chi trả ngay cho ngư dân, dự kiến trong tháng 4/2024.
Riêng năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang thẩm tra 1.064 hồ sơ của ngư dân với tổng số tiền chi trả hỗ trợ theo Quyết định 48 là hơn 66,6 tỷ đồng.
Trước thắc mắc của nhiều của ngư dân về việc có còn chi trả hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định việc hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 vẫn tiếp tục được thực hiện. Để việc chi trả cho ngư dân được nhanh chóng, từ nay việc thẩm định hồ sơ theo Quyết định 48 và tiến hành chi trả cho ngư dân sẽ thực hiện trong từng quý, theo nguyên tắc công khai và minh bạch. Bộ phận thanh tra ở các sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác này ở các địa phương.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2011-2021, qua 10 năm triển khai hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh có 2.715 lượt tàu cá đăng ký thực hiện và được nhận hỗ trợ gần 768 tỷ đồng tiền xăng dầu.
Tuy nhiên, năm 2020, trong quá trình giải quyết hồ sơ theo Quyết định 48, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát phiện 21 tàu cá của 19 chủ tàu có dấu hiệu tháo gửi, nhận thiết bị giám sát hành trình nhằm hợp thức hóa hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh làm việc với các chủ tàu và họ đã thừa nhận hành vi trên. Trong năm 2021, cơ quan chức năng cũng loại những chủ tàu vi phạm ra khỏi danh sách xem xét hỗ trợ theo Quyết định 48. Đồng thời, xử phạt nhiều chủ tàu có hành vi tháo gửi, nhận gửi thiết bị định vị giám sát hành trình và làm giả hồ sơ theo quy định.