Ngày Bảo hiểm y tế 1/7:

Nhiều kết quả nổi bật sau 6 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

Sau 6 năm thực hiện Luật cho thấy, quyền lợi của người tham gia được đảm bảo, việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng, thuận tiện… TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết “Nhiều kết quả nổi bật sau 6 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế” của Tiến sỹ Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chú thích ảnh
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội giám sát chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Thái Nguyên. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90%

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện, mọi đối tượng được quy định trong Luật này đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế. Có thể khẳng định, việc tham gia bảo hiểm y tế vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam.

Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng trưởng ấn tượng qua các năm. So với năm 2015, số người tham gia bảo hiểm y tế năm 2016 tăng nhiều nhất tới 11%, năm 2015 và 2017 mỗi năm tăng 6 - 7%, giai đoạn 2018-2020 duy trì mức tăng trên dưới 3% mỗi năm. Tính đến  hết năm 2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu bảo hiểm y tế của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg; về đích trước thời hạn 4 năm theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020), theo đó, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở nước ta là 80%.

Đây là tiền đề để cả nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đến năm 2030 tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là trên 95% như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Phân tích tình hình bao phủ bảo hiểm y tế phân theo khu vực cho thấy, trong giai đoạn 2015-2019, khu vực trung du và miền núi phía Bắc luôn có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhất 95,4%, tiếp theo là khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Nguyên. Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ tại các vùng tương ứng là 89,4%, 88,5%, 86,8%, 84%.

Còn khoảng 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, chủ yếu rơi vào nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm những người tự đóng và tự đóng một phần không có thu nhập ổn định, người cận nghèo, hộ gia đình nói chung và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và có mức sống trung bình; người thuộc nhóm 1 trốn đóng bảo hiểm y tế.

Tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng, thuận tiện

Quy định về việc các cơ sở khám, chữa bệnh không phân biệt công hay tư nếu đủ điều kiện đều được ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ưu tiên thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã đã góp phần phát triển mạng lưới cơ sở y tế tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số cơ sở duy trì trong 5 năm tăng từ 2.000 lên đến 2.400 cơ sở và hơn 10.000 trạm y tế xã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thông qua bệnh viện huyện/trung tâm y tế huyện. Số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng ngày càng gia tăng, gấp gần 4 lần so với năm 2010.

Người tham gia bảo hiểm y tế có thể lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã phù hợp với nơi cư trú hoặc nơi làm việc, các quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trái tuyến nhưng được hưởng quyền lợi như đúng tuyến, cũng như việc cải cách thủ tục hành chính, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số,… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế trong tiếp cận dịch vụ y tế. Trong 5 năm (giai đoạn 2015-2019), đã có hơn 809 triệu lượt khám, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, tần suất khám, chữa bệnh bình quân duy trì ở mức 1,9 - 2,1 lần/người/năm.

Quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả gồm 76 dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh và 241 hoạt chất/thuốc được cung ứng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y. Đây là những dịch vụ y tế cơ bản nhất để đảm bảo cung ứng, thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân tại cộng đồng.

Song, trên thực tế, số dịch vụ kỹ thuật được phân tuyến thực hiện tại tuyến xã lên đến hơn 1.000 dịch vụ, số hoạt chất thuốc được quy định sử dụng tại tuyến xã là hơn 300. Đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, có đến hơn 9.000 dịch vụ kỹ thuật được phân tuyến thực hiện đã có quy định mức giá thanh toán bảo hiểm y tế và hơn 1.000 hoạt chất/thuốc được phép thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế.

5 năm qua, Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả trên 130 nghìn tỷ đồng cho các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, phẫu thuật thủ thuật, phục hồi chức năng, y học cổ truyền; chi hơn 151 nghìn tỷ đồng tiền thuốc và gần 25 nghìn tỷ đồng cho các loại vật tư y tế tính ngoài giá dịch vụ, từ dây truyền, bơm kim tiêm, đến các vật tư y tế hiện đại như giá đỡ động mạch vành (stent), van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim… Chi phí cho nhóm dịch vụ kỹ thuật của năm 2019 tăng 1,8 lần; của nhóm thuốc tăng 1,4 lần và của nhóm vật tư y tế tăng gấp 3 lần so với năm 2015.

Một số dịch vụ kỹ thuật/thuốc/vật tư y tế có chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí bảo hiểm y tế của 3 năm (2017-2019), như: nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 12 nghìn tỷ đồng (từ năm 2018 đến nay mỗi năm chi hơn 5 nghìn tỷ đồng); thủy tinh thể nhân tạo gần 3 nghìn tỷ đồng, stent mạch máu các loại trên 5 nghìn tỷ đồng; chụp PET/CT là 500 tỷ đồng, chụp CT scanner là 3,5 nghìn tỷ đồng, chụp cộng hưởng từ 2,5 nghìn tỷ đồng; phẫu thuật nội soi các loại gần 2,5 nghìn tỷ đồng và phẫu thuật bằng robot là hơn 500 tỷ đồng…

Trong giai đoạn 2015-2019, số thu bảo hiểm y tế tăng qua các năm, tổng số thu từ tiền đóng của người tham gia bảo hiểm y tế của năm 2019 tăng 1,7 lần so với năm 2015. Với mức đóng bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở,... Tổng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của 5 năm là 360 nghìn tỷ đồng; tổng số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 427 nghìn tỷ đồng.

Quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế luôn được đảm bảo một cách tối ưu nhất. Kể từ năm 2016 đến nay, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thường xuyên cao hơn quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2016 là 112%, năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%.

Có thể thấy, việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh hàng năm, một phần do nhu cầu từ việc khám, chữa bệnh của người tham gia tăng; mức đóng bảo hiểm y tế thấp, nhiều năm chưa điều chỉnh; quyền lợi bảo hiểm y tế được mở rộng theo các quy định được điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật,... Song song đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới, có kết cấu thêm tiền phụ cấp y tế đặc thù, tiền lương, cũng như thực hiện phương thức thanh toán theo phí dịch vụ, các cơ sở y tế chuyển dần sang tự chủ tài chính đã khuyến khích tăng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa thực sự cần thiết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mất cân đối thu chi trong năm.

TTXVN/Báo Tin tức
Miễn đóng bảo hiểm y tế 8 tháng cho người lao động, doanh nghiệp
Miễn đóng bảo hiểm y tế 8 tháng cho người lao động, doanh nghiệp

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có công văn đồng ý với đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động được miễn đóng vào Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN