Ông Vũ Văn Tấn cho biết, dữ liệu về BHXH rất lớn, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chi trả lương hưu… Thời gian tới, ngành Công an và ngành bảo hiểm xã hội sẽ rà quét và khớp nối nốt dữ liệu chưa trùng khớp giữa 2 bên để lưu trên căn cước công dân có gắn chip.
Theo ông Vũ Văn Tấn, lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội cần có cảnh báo với cán bộ ngành về việc nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ nguy cơ lộ lọt dữ liệu từ hacker, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể tạo ra nguy cơ mất an ninh thông tin cho cả hệ thống.
“BHXH Việt Nam cần tập huấn cho nhân viên về quy trình an toàn thông tin, bởi tội phạm mạng có thể lợi dụng chính từ nhân sự của ngành BHXH”, ông Vũ Văn Tấn cảnh báo.
Thời gian tới, hai ngành công an và bảo hiểm xã hội tiếp tục tích hợp sổ bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VNeID. Đến nay, có hơn 19,4 triệu lượt truy vấn sổ bảo hiểm xã hội thành công.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, cùng với chuyển đổi số, an toàn thông tin cần được coi trọng, nhất là việc chia sẻ dữ liệu sao cho an toàn vì “một số nơi còn xem nhẹ vấn đề an toàn thông tin”.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Thế Mạnh, khi hệ thống tích hợp các biện pháp như sinh trắc học, quản lý dữ liệu, ứng dụng AI, vấn đề trục lợi bảo hiểm xã hội sẽ giảm dần.
Hiện mỗi năm có khoảng 180 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tính ra khoảng 500.000 lượt khám chữa bệnh/ngày. Từ dữ liệu lớn đó, AI sẽ thống kê, phân tích, đưa ra khuyến cáo hữu ích. Ví dụ, từ 10.000 lượt chữa bệnh tiểu đường, AI nhận diện, gợi ý phác đồ điều trị, thời gian chữa trung bình, được lợi nhất là ngành y tế và bệnh nhân.