Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người dân

Bộ cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản, quy định về đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia và các tỉnh để giảm giá và mua thuốc, vật tư với đúng giá trị thật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Chiều 9/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với các Bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Cục Thống kê... về sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP; điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc; lộ trình điều chỉnh giá giai đoạn 2018-2020; công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế; xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP quy định quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Mở rộng đấu thầu để giảm giá thuốc

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay các Bộ, địa phương, đơn vị đã đấu thầu theo các Thông tư của Bộ Y tế, Luật đấu thầu, Nghị định 63 của Chính phủ. Ở cấp địa phương, 100% tỉnh, thành phố đã đấu thầu tập trung, nhiều tỉnh đấu thầu tập trung hầu hết các loại thuốc, một số tỉnh đấu thầu tập trung một số loại vật tư, hóa chất sử dụng lớn.

Về đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 22 thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 -2019. Đây là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng. Tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng (xây dựng dựa trên việc tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế), giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được 477 tỷ đồng (giảm khoảng 17,37% so với giá kế hoạch. Trong đó, biệt dược giảm 114,3 tỷ đồng, khoảng 6,9%, thuốc generic giảm 362,7 tỷ đồng, khoảng 33%).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia trong năm 2018, Bộ Y tế quyết định đầu thầu tập trung đối với 30 thuốc có số lượng sử dụng lớn; đồng thời sửa Thông tư 09 để mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cả ở cấp địa phương trong năm 2018. Bộ cũng có kế hoạch đàm phán giá 8 loại thuốc biệt dược gốc sử dụng nhiều và sau khi có kết quả sẽ mở rộng thêm khoảng 25 biệt dược gốc khác. Bên cạnh đó, triển khai đàm phán giá đối với 139 thuốc biệt dược gốc hết bản quyền đã có nhiều thuốc generic thay thế.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, hết quý I/2018 mà việc đấu thầu thuốc tập trung năm 2018 chưa được triển khai là chậm, cần nghiêm túc xem xét nguyên nhân để tập trung giải quyết. Với mục tiêu giảm giá thuốc, việc đấu thầu tập trung vẫn là giải pháp quan trọng.

Mở rộng danh mục thuốc đấu thầu không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề nhân đạo để giúp người dân, nhất là người nghèo không phải mua thuốc bị đội giá lên cao. Trong năm 2018, Bộ Y tế không chỉ đấu thầu thuốc tập trung mà cần tiến hành cả đấu thầu trang thiết bị y tế.

"Bộ cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản, quy định về đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia và các tỉnh để giảm giá và mua thuốc, vật tư với đúng giá trị thật. Ngay cả việc đàm phán giá cũng cần phải rõ ràng: Ai đàm phán? Trình tự đàm phán? Ai kiểm tra việc đàm phán? Đàm phán thế nào để đảm bảo minh bạch và vì sao lại đàm phán giá trước khi đấu thầu? Về nguyên tắc tài chính, chỉ khi đấu thầu không hiệu quả thì mới đàm phán giá",Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Theo Bộ Y tế, Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện. Điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng…

Mặc dù Thông tư ban hành năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-TC, xây dựng từ 2011, từ đó đến nay giá đầu vào tăng. Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về dự toán 2018 đề nghị các đơn vị có thu phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm khi tăng lương tối thiểu.

Thực tế có một số đơn vị có lượt khám bệnh/1 bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá (tuyến huyện do thông tuyến từ 1/1/2016); một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cao hơn định mức tính giá. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng các đơn vị này chỉ định người bệnh điều trị nội trú, sử dụng dịch vụ bất hợp lý, coi đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên bội chi quỹ bảo hiểm y tế.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân cơ bản gây bội chi Quỹ bảo hiểm y tế là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí khám chữa bệnh. Do chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế nên để quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả, bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cũng đồng thuận điều chỉnh một số mức giá. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất, trong giai đoạn 1: đến 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 về nội dung thanh toán chi phí khám chữa bệnh của một số dịch vụ; khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh. Trong giai đoạn 2: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ…

Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang khảo sát công suất khám bệnh thực tế, công suất các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, chi phí của một số xét nghiệm để tính toán và điều chỉnh lại giá cho phù hợp.

Đảm bảo lợi ích cao nhất cho người dân

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Y tế trong thực hiện giá dịch vụ y tế và “là một trong những Bộ tiên phong đi đầu trong thực hiện giá dịch vụ”.

Cho rằng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cung ứng, quản lý giá thuốc, vật tư y tế… là những vấn đề vô cùng quan trọng vì liên quan đến lợi ích, khả năng chi trả của mọi người dân trong xã hội cũng như khả năng chi trả của ngân sách nhà nước cũng như quốc tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, các văn bản pháp luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn vẫn còn có một số nội dung chưa đủ rõ, còn có những nội dung khác nhau, cả về quan điểm nước ngoài và trong nước vì vậy cần khẩn trương điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cho ý kiến vào nội dung sửa đổi Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng thời yêu cầu thực hiện xong trong tháng 5/2018.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam có báo cáo với Thủ tướng về lộ trình sửa đổi, bổ sung giai đoạn 2 của Thông tư bao gồm khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ban hành định mức đơn giá, số ngày điều trị nội trú…

Về vấn đề đấu thầu, đàm phán giá thuốc, vật tư thiết bị y tế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp rà soát, đánh giá lại sự phù hợp của hệ thống pháp luật từ luật, đến nghị định, thông tư nhằm sửa đổi, bổ sung về vấn đề đấu thầu, đàm phán giá… theo tinh thần luật phải quy định chặt chẽ, chi tiết về thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm, đảm bảo tính công khai, minh bạch, mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh…

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2018 cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung trình Chính phủ xem xét.

Trong công tác đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tổ chức thí điểm tại các bệnh viện của Bộ Y tế trên tinh thần công khai, minh bạch để có được vật tư, thiết bị y tế chất lượng, đảm bảo tính cạnh tranh về giá; cùng với đó xiết chặt công tác đấu thầu tại các tỉnh, bệnh viện…

Phó Thủ tướng cho biết: Đối với việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP quy định quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, Chính phủ sẽ có cuộc làm việc riêng về nội dung này.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)
Nhiều nơi thiếu vắc xin phòng dại, Bộ Y tế khẳng định vẫn đáp ứng đủ
Nhiều nơi thiếu vắc xin phòng dại, Bộ Y tế khẳng định vẫn đáp ứng đủ

Cục Quản lý Dược khẳng định vẫn đáp ứng đủ vắc xin phòng dại, nơi nào thiếu cần thông báo để được điều phối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN