Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với cơn bão số 12 và ảnh hưởng mưa lũ sau bão. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Biểu dương các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan đã chủ động ứng phó với bão số 12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phải thực hiện nghiêm Công điện 1659 ngày 1/11 về việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão và mưa lũ khu vực miền Trung.
"Bằng mọi biện pháp phải chủ động ứng phó với bão số 12 để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân. Trọng điểm bão đổ bộ dự kiến vào Nam Phú Yên - Bắc Bình Thuận, trong đó tâm bão dự báo đổ bổ vào tỉnh Khánh Hòa", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị các khu vực trên biển, đảo và ven bờ tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, đặc biệt tàu thuyền đang còn trong khu vực nguy hiểm. Không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, đặc biệt đối với tàu vãng lai, tàu du lịch.
Đối với khu vực trên đất liền, kiên quyết sơ tán dân trong các nhà ở không an toàn, vùng trũng thấp cửa sông, ven biển; khẩn trương chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình đang thi công; có phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, sẵn sàng khắc phục sự cố để bảo vệ sản xuất và ổn định sinh hoạt của người dân; đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh; hủy bỏ các chuyến bay qua khu vực trong thời gian bão ảnh hưởng; hoàn thành việc xử lý giờ đầu, đảm bảo an toàn công trình đê điều đang thi công.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tế để tham mưu chỉ đạo điều hành, nhất là đối với việc vận hành các hồ chứa.
Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ để đối phó với tình huống lũ lớn, ngập sâu trên diện rộng và kéo dài. Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu đê điều, hồ đập; kiểm tra vận hành các thiết bị cảnh báo khi có tình huống xảy ra; kiên quyết sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản, lồng bè, các khu công nghiệp, khu trang trại sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi quy mô lớn. Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
Tàu cá về trú bão tại cảng Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phát huy, tăng cường thời lượng đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cấp chính quyền chủ động các biện pháp phòng, chống, tránh tư tưởng chủ quan song cũng không hoang mang trước các diễn biến thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tổng số tàu thuyền đã thông báo, kiểm đếm là 60.547 tàu/288.626 lao động. Hiện còn 8 tàu của tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu với 61 lao động hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Các tàu đã nhận được thông tin về bão và đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tại tỉnh Ninh Thuận có 1 tàu/7 lao động hoạt động tại khu vực giàn khoan 1 không liên lạc được. Hiện Bộ đội biên phòng, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3 đang phối hợp tìm kiếm.
Hiện 6 tỉnh đã thực hiện việc cấm biển là Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tỉnh Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ ngày 3/11.