Họp khẩn cấp ứng phó với cơn bão số 12 và mưa lũ miền Trung

Vẫn còn 40 tàu thuyền (trên 300 lao động) của 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Định đang ở trong khu vực nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương kêu gọi 40 tàu này ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sáng ngày 3/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 12 và tình hình mưa lũ miền Trung.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 4 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 500 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100 km/giờ), giật cấp 13.

Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Đến 4 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135 km/giờ), giật cấp 15.

Từ chiều nay vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (4/11) tăng lên cấp 9 - 10, vùng gần bão đi qua cấp 11 - 12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9.

Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5 - 1,0 m, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao từ 5 - 7 m, vùng ven bờ từ 2 - 4 m.

Từ gần sáng và ngày 4/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9 - 11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, từ ngày 4 đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một  đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.

Trước thông tin đến thời điểm này vẫn còn 40 tàu thuyền (trên 300 lao động) của 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Định đang ở trong khu vực nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn  Xuân Cường yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương kêu gọi 40 tàu này ra khỏi nguy hiểm.

Chỉ đạo cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh vừa dự báo trọng điểm phải thực hiện cấm biển, không chủ quan để rủi ro tính mạng con người. Nhiều vùng trũng ở một số tỉnh đã ngập, phải có kế hoạch và sẵn sàng có phương án ứng phó đảm bảo an toàn người dân. Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng vào các địa phương dự kiến bão đổ bộ để chỉ đạo ứng phó bão.

Dự kiến mới nhất về đường đi của bão số 12.

Đối với các hồ chứa phải vận hành đúng quy trình, các hồ xung yếu phải được giám sát chặt chẽ. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ phải di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn.


Bộ trưởng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy địa phương thực hiện xả đúng quy trình các hồ chưa thủy điện; đề nghị các địa phương quán triệt cho học sinh nghỉ học thời điểm mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng.

Về sản xuất nông nghiệp, trong điểm là thủy ản, ao nuôi, lồng bè phải có phương án, chằng chống không để thiệt hại (mưa, bão ập đến) hết sức chú ý đối với lĩnh vực chăn nuôi nhất là vùng úng trũng di dời đàn lợn, gia cầm đến vùng an toàn.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai cho biết, vào lúc 16 giờ chiều nay, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ bắt đầu tổ chức cuộc họp trực tuyến tại tỉnh Khánh Hoà, nơi tâm bão số 12 đổ bộ, để kết nối với đầu cầu Hà Nội và các tỉnh bão đi qua hoặc bị ảnh hưởng. Cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chủ trì chỉ đạo.

Ngay trong sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ dẫn đầu đoàn công tác vào tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên để kiểm tra công tác triển khai phòng chống bão lũ, chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo thực hiện giải pháp ứng phó với bão đổ bộ và mưa lũ lớn do bão.

H.V/Báo Tin Tức
Ứng phó với bão số 12: Đảm bảo an toàn cho người dân ở trên biển, vùng ven biển
Ứng phó với bão số 12: Đảm bảo an toàn cho người dân ở trên biển, vùng ven biển

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 12 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Hiện các địa phương đang khẩn trương ứng phó với cơn bão này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN