Xuân Trường Sa - Bản hòa ca giữa đất trời và biển đảo quê hương

“Xuân ở Trường Sa sẽ như thế nào? Những con người nơi ấy đón Tết ra sao giữa bốn bề biến khơi?”, đó không chỉ là những câu hỏi cần tìm lời giải đáp, mà còn là một thôi thúc để tôi cảm nhận, lắng nghe và hiểu sâu hơn về Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng mà bất cứ người Việt Nam nào cũng hướng về, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền.

Chú thích ảnh
Con tàu rẽ sóng tiến về quần đảo Trường Sa, mang theo tình yêu quê hương và sự ủng hộ từ đất liền.

Những ngày cuối năm, đất liền rộn ràng hơn bao giờ hết. Từng góc phố, từng mái nhà đều bừng sáng trong sắc Xuân rạng rỡ. Hoa mai vàng tỏa sắc, những cành đào thắm điểm tô khung cảnh tất bật của người dân chuẩn bị đón Tết. Tiếng cười nói vang lên từ các khu chợ Tết, những chuyến xe chở đầy hàng hóa, và ánh mắt háo hức của những đứa trẻ đợi cha mẹ sắm sửa… Tất cả tạo nên một bức tranh mùa Xuân đầm ấm, thân thương nơi quê nhà. Nhưng, ngoài khơi xa, nơi đầu sóng ngọn gió, Trường Sa lại đón Tết theo một cách rất khác. Không ồn ào náo nhiệt, Trường Sa mang một không khí lặng lẽ nhưng đầy ý chí kiên cường.

Tham gia đoàn công tác ra Trường Sa vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, tôi không khỏi bồi hồi và xúc động. Từ đất liền nhìn ra biển khơi xa, Trường Sa không còn chỉ là một khái niệm về chủ quyền lãnh thổ, mà là nơi thiêng liêng, nơi những người con đất Việt đã và đang sống, làm việc, bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển của Tổ quốc. Trên con tàu rời cảng Cam Ranh, khi từng đợt sóng vỗ mạnh vào thân tàu, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của hành trình. Chuyến đi không chỉ đưa chúng tôi đến với biển trời Tổ quốc, mà còn mang theo hàng trăm món quà Xuân từ đất liền: bánh chưng xanh, cành đào, mứt Tết… và hơn hết là tình yêu, niềm tin gửi gắm từ hậu phương.

Đoàn công tác lần này là một tập hợp của nhiều thành phần: đại diện lực lượng vũ trang, văn nghệ sĩ, và những người làm báo từ các cơ quan báo chí từ Trung ương tới địa phương trên cả nước. Ai cũng mang trong mình một sứ mệnh riêng, nhưng tất cả đều chung một mục tiêu: mang hơi ấm Tết đến Trường Sa, để nơi đây không chỉ là một pháo đài vững chắc mà còn là một ngôi nhà đầy sức sống. Tiếng còi tàu rền vang, báo hiệu giờ xuất phát, đưa chúng tôi tiến dần về phía biển lớn, nơi những ngọn cờ đỏ sao vàng đang tung bay kiêu hãnh giữa mênh mông sóng nước.

Trong tôi cứ vang lên câu hỏi: “Xuân ở Trường Sa sẽ như thế nào? Những con người nơi ấy đón Tết ra sao giữa bốn bề biến khơi?”. Đó không chỉ là những câu hỏi cần tìm lời giải đáp, mà còn là một thôi thúc để tôi cảm nhận, lắng nghe và hiểu sâu hơn về Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng mà bất cứ người Việt Nam nào cũng hướng về, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền.

Trường Sa đón Xuân - Tết giữa trùng khơi

Chú thích ảnh
Bình minh rực rỡ trên đảo Song Tử Tây, nơi biển trời hòa quyện, tạo nên khung cảnh yên bình và thiêng liêng của Tổ quốc.

Bình minh ở Trường Sa mỗi sáng như bừng lên trong sắc Xuân của đất trời. Bầu trời xanh trong vắt, ánh nắng sớm vàng óng chiếu lên những con sóng bạc đầu, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, hùng vĩ. Trong khung cảnh ấy, sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trên tháp canh cao nhất của đảo, như nhắc nhở mọi người về sự thiêng liêng của chủ quyền đất nước.

Giữa không gian mênh mông ấy, những dấu hiệu của mùa Xuân trở nên đặc biệt rõ ràng và sống động. Những cây mai vàng, cây quất, cành đào, được mang ra từ đất liền, dù không thật hoàn hảo vì sóng gió Trường Sa sau suốt một tuần đi biển nhưng vẫn được các chiến sĩ nâng niu như muốn lưu giữ thật lâu hương vị Tết nơi quê nhà. Trên các đảo, từng chiếc đèn lồng nhỏ được treo lên, từng cây nêu được dựng cao, tạo nên một không khí Tết đậm chất Việt Nam giữa đại dương bao la.

Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý, không khí chuẩn bị Tết ở Trường Sa vẫn tất bật và rộn ràng không kém. Các chiến sĩ và cư dân trên đảo chia nhau công việc: người gói bánh chưng, người dựng cây nêu, người trang trí các góc đảo để chào đón năm mới.

Tôi được tham gia cùng các chiến sĩ chuẩn bị mâm cỗ Tết. Một chiến sĩ trẻ, chỉ mới ngoài đôi mươi, vừa cẩn thận gói những chiếc bánh chưng vừa tâm sự: “Đây là năm đầu tiên em đón Tết xa nhà. Lúc đầu, em cũng buồn lắm, nhớ bố mẹ, nhớ mâm cơm tất niên ở quê. Nhưng rồi khi nhìn thấy các đồng đội cùng nhau chuẩn bị Tết, cảm giác nhớ nhà dần nguôi ngoai. Chúng em tự nhủ phải cố gắng hơn, bởi giữ được sự bình yên nơi đây chính là cách để mang mùa Xuân trọn vẹn về với quê hương".

Ngoài bánh chưng, các chiến sĩ còn trang trí đảo bằng những vật liệu tái chế, từ vỏ ốc, vỏ sò cho đến các vật dụng quen thuộc hằng ngày. Mỗi góc nhỏ đều trở nên sống động và đầy sáng tạo, như khẳng định tinh thần lạc quan bất chấp mọi khó khăn của những người lính biển.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ quây quần bên bếp lửa, luộc bánh chưng chuẩn bị đón Tết trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.

Khi chiều buông xuống, bữa cơm tất niên đã được chuẩn bị tươm tất. Mâm cỗ có những món ăn từ đất liền gửi ra: bánh chưng xanh, chả, giò lụa, nem… xen lẫn với các đặc sản biển đảo như cá nướng, tôm khô, và rong biển… Ngồi quây quần bên nhau, những người lính kể lại những câu chuyện về những ngày tuần tra trên biển, những kỷ niệm đón Tết xa quê. Một sỹ quan đứng tuổi chia sẻ: “Những ngày Tết ở đây tuy không giống ở quê, nhưng với chúng tôi, đồng đội chính là gia đình. Một năm mới là thêm một năm Trường Sa vững vàng giữa biển khơi, đó chính là niềm tự hào lớn nhất của tất cả chúng tôi".

Tiếng cười nói, tiếng chúc mừng năm mới vang lên giữa mâm cỗ “Tết Trường Sa” hòa vào tiếng sóng biển rì rào. Bữa cơm tất niên ấy không chỉ là buổi liên hoan thông thường mà còn là lời khẳng định: dù cách xa đất liền, Trường Sa vẫn luôn ấm áp, đầy tình người, và luôn sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển của Tổ quốc.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra, Trường Sa không chỉ đón xuân theo cách riêng của mình, mà còn gửi ngược về đất liền một thông điệp thiêng liêng: mùa Xuân không chỉ là thời khắc của thiên nhiên, mà còn là biểu tượng của sự sống, niềm tin, và sự kiên cường bất diệt của những người con đất Việt nơi đầu sóng ngọn gió.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên đảo Sinh Tồn, biểu tượng của chủ quyền quốc gia và ý chí kiên cường bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ hải quân nơi đây.

Những con người đặc biệt ở Trường Sa

Trong ánh nắng dịu của một buổi chiều ở quần đảo Trường Sa, tôi gặp Hồ Văn Tráng, một chiến sĩ trẻ vừa tròn 20 tuổi. Đây là năm đầu tiên Tráng đón Tết xa nhà, rời xa tổ ấm quen thuộc ở vùng quê Thanh Hoá. Khi được hỏi về cảm xúc của mình lúc này, Tráng bộc bạch: “Thú thật là lúc đầu em nhớ nhà lắm, nhớ bữa cơm mẹ nấu, nhớ không khí đầm ấm mỗi khi cả nhà quây quần gói bánh chưng, nhưng ở đây, đồng đội chính là gia đình thứ hai của em. Mọi người chia sẻ với nhau từ những chuyện nhỏ nhất, cùng nhau chuẩn bị đón Tết, cảm giác gần gũi lắm".

Nhìn những đôi tay vụng về nhưng đầy quyết tâm của Tráng khi giúp đồng đội trang trí mâm ngũ quả, tôi hiểu rằng nơi đây không chỉ là nơi rèn luyện ý chí, mà còn là nơi gắn kết những trái tim trẻ trung, nhiệt huyết. Tráng chia sẻ thêm: “Đêm giao thừa, chúng em sẽ luân phiên gác để bảo vệ đảo. Dù xa gia đình, nhưng khi nghe tiếng chuông đồng hồ báo hiệu năm mới, nhìn cờ Tổ quốc tung bay, em luôn thấy lòng mình ấm áp và tự hào. Vì ở đây, chúng em không chỉ bảo vệ mùa Xuân của mình, mà còn là mùa Xuân của đất nước".

Ngư dân bám biển - “Những người hùng thầm lặng”

Tại một bến nhỏ trên đảo, tôi gặp bác Nguyễn Văn Hải, một ngư dân kỳ cựu đã hơn 30 năm bám biển Trường Sa. Trong những ngày giáp Tết, thuyền của bác vẫn ra khơi, vừa khai thác hải sản, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Bác Hải tâm sự: “Khi có sự hiện diện của các chiến sĩ hải quân, chúng tôi yên tâm hơn khi ra khơi, không còn sợ bị tàu lạ quấy phá. Trường Sa không chỉ là điểm tựa an toàn mà còn là nhà của chúng tôi.”

Ánh mắt bác Hải sáng lên khi nhắc về các thế hệ trẻ nối nghiệp bám biển: “Những người trẻ như các chiến sĩ trên đảo hay các cháu ngư dân đều mang trong mình tinh thần yêu nước. Chúng tôi đi biển không chỉ để mưu sinh, mà còn để bảo vệ từng sải biển, từng rặng san hô".

Gia đình trên đảo - Những ngọn nến nhỏ giữ lửa Trường Sa

Chú thích ảnh
Các gia đình và chiến sĩ trên đảo cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ Tết, giữ gìn truyền thống đón Tết cổ truyền dù xa đất liền.

Không phải ai cũng biết rằng, Trường Sa không chỉ có các chiến sĩ, mà còn là “mái nhà” của những gia đình nhỏ đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng. Chị Trần Thị Thu Huyền, một phụ nữ trẻ sinh sống trên đảo, chia sẻ về cuộc sống hàng ngày: “Ở đây không có siêu thị hay chợ, mọi thứ phải tự làm, tự tích trữ. Nhưng chúng tôi không cảm thấy thiếu thốn vì đã quen rồi. Tết đến, trẻ con thích nhất là được nhận quà từ đất liền gửi ra, còn người lớn thì chỉ mong được khỏe mạnh, tiếp tục bám đảo, giữ vững nhà mình".

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Trường Sa, dù không được tận hưởng đủ đầy như ở đất liền, nhưng ánh mắt các em luôn toát lên niềm vui giản dị. Tôi bắt gặp một nhóm trẻ đang háo hức trang trí cây mai giả. Bé Minh Thư con gái chị Huyền nói với tôi: “Con thích Tết lắm! Con ước gì năm nào cũng được đón Tết trên đảo cùng ba mẹ".

Giáo viên và bác sĩ - Những người giữ nhịp sống nơi đảo xa 

Chú thích ảnh
Bác sĩ quân y trên đảo Song Tử Tây khám bệnh cho trẻ em và người dân nơi đảo xa.

Không thể không nhắc đến những thầy cô giáo và bác sĩ đang ngày đêm bền bỉ mang tri thức và y tế đến với Trường Sa. Thầy giáo Bùi Tiến Anh, người đã có 2 năm dạy học trên đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Dạy học ở đây là một hành trình đặc biệt. Các em học sinh rất chăm chỉ và luôn háo hức tiếp thu kiến thức mới. Ngày Tết, chúng tôi thường tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian để các em cảm nhận được không khí Xuân dù xa đất liền”. 

Bên cạnh thầy Thịnh là bác sĩ Nguyễn Thành Huy công tác tại bệnh xá đảo Song Tử Tây. Bác sĩ Huy tâm sự: “Công việc ở đây vất vả hơn rất nhiều so với đất liền, nhưng tôi luôn tự hào vì được góp phần giữ gìn sức khỏe cho bà con và chiến sĩ. Tết năm nay, chúng tôi chuẩn bị gói bánh chưng và tham gia tổ chức bữa tiệc nhỏ cho toàn đảo, coi như một lời tri ân cho sự gắn kết nơi đây".

Kết nối mọi trái tim nơi đảo xa

Những con người nơi Trường Sa, từ chiến sĩ, ngư dân, gia đình trên đảo đến giáo viên và bác sĩ, đều là những ngọn lửa nhỏ giữ cho Trường Sa luôn ấm áp và đầy sức sống. Họ không chỉ đón Tết, mà còn đón nhận cả một trách nhiệm thiêng liêng - bảo vệ và xây dựng mảnh đất đầu sóng ngọn gió này.

Dẫu có xa cách về địa lý, nhưng lòng người nơi đây vẫn luôn hướng về đất liền, và ngược lại, hậu phương cũng luôn dõi theo họ. Trường Sa - nơi những con người đặc biệt đang viết tiếp câu chuyện về tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc.

Hòa ca giữa đất liền và biển đảo

Chú thích ảnh
 Bàn thờ Tết tại đảo Sinh Tồn được trang trí với mai vàng, quất và đào, mang đậm không khí Tết cổ truyền Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió.

Những ngày giáp Tết, chuyến tàu mang theo đoàn công tác và hàng trăm món quà từ đất liền cập bến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Các chiến sĩ và người dân trên đảo, từ trẻ nhỏ đến người lớn, đều háo hức chờ đợi. Những thùng hàng được mở ra, để lộ những món quà tuy giản dị nhưng đầy ý nghĩa: từ những hộp mứt, bánh chưng xanh, giò lụa, đến những cây mai, cành đào được chăm sóc cẩn thận từ các nghệ nhân cây cảnh nơi đất liền.

Không chỉ vậy, những lá thư tay, những lời nhắn gửi được viết bằng nét chữ thân thương từ hậu phương cũng được chuyển đến tận tay các chiến sĩ. Một bức thư từ một học sinh ở Hà Nội khiến không ít chiến sĩ xúc động: “Các chú ơi, Tết này dù không về nhà, các chú vẫn là người hùng của chúng cháu. Cháu chúc các chú luôn khỏe mạnh, giữ gìn Trường Sa vững vàng để cháu và các bạn được học hành trong bình yên".

Trên khuôn mặt mỗi người nhận quà hiện rõ niềm vui. Thượng tá Phạm Sỹ Thoại, chỉ huy đảo Sinh Tồn, tâm sự: “Những món quà này không chỉ là vật chất, mà còn là tình cảm, là sự tiếp sức từ đất liền để chúng tôi thêm vững vàng. Nhìn anh em chiến sĩ và người dân háo hức như thế này, tôi cảm nhận được một mùa Xuân đầy đủ đang hiện diện trên đảo".

Chị Nguyễn Thị Minh Trang một thành viên trong đoàn công tác, vừa là phóng viên, vừa là người mang quà từ quê hương cho các chiến sĩ, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi ra Trường Sa, nhưng cảm giác thật khó tả. Mỗi món quà chúng tôi mang ra đều được chuẩn bị bằng tất cả tấm lòng của hậu phương. Mọi người ở đất liền luôn dõi theo, tự hào và biết ơn những con người nơi đầu sóng ngọn gió này. Tết ở đây không giống như ở nhà, nhưng tôi tin rằng, sự ấm áp của tình cảm từ đất liền sẽ làm mùa Xuân của Trường Sa trọn vẹn hơn".

Khi ánh nắng chiều dần buông, sân khấu giao lưu văn nghệ trên đảo Sinh Tồn được trang trí rực rỡ. Các văn nghệ sĩ, nhà báo từ đất liền, cùng với các chiến sĩ và cư dân trên đảo, bắt đầu chương trình văn nghệ chào Xuân. Tiếng đàn, tiếng hát vang lên giữa không gian bao la của biển trời, làm tan đi cái lạnh se sắt của những ngày cuối Đông.

Mở đầu chương trình là bài hát “Hào khí Việt Nam” với giọng ca của một cán bộ công tác tại đảo Sinh Tồn. Tiếng hát như chạm đến trái tim mỗi người, gợi lên tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Các chiến sĩ cũng hào hứng tham gia, thể hiện những bài hát tự sáng tác, mang đậm hơi thở của biển đảo.

Những bài ca như “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Gần lắm Trường Sa” lần lượt được cất lên, khơi dậy tinh thần lạc quan, gắn bó giữa đất liền và biển đảo. Một chiến sĩ trẻ xúc động chia sẻ: “Mỗi khi hát lên những bài ca này, em thấy như đất liền gần hơn. Như thể người thân, bạn bè đang ở ngay đây, cùng đón Xuân với chúng em".

Đêm văn nghệ khép lại với bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, tất cả mọi người, từ chiến sĩ, đến thành viên đoàn công tác, cùng hòa giọng. Giữa bầu trời đêm lấp lánh sao, những ánh mắt sáng rực lên niềm tin và hy vọng cho một năm mới bình an.

Khoảnh khắc ấy, đất liền và biển đảo như hòa làm một. Không còn khoảng cách địa lý, chỉ còn tình yêu quê hương và ý chí kiên cường gắn kết tất cả. Tết ở Trường Sa, với những món quà, lời ca, tiếng hát từ hậu phương, không chỉ là một mùa Xuân đơn thuần, mà còn là một bản hòa ca, nơi đất trời và lòng người hòa quyện, giữ vững trái tim của Tổ quốc giữa đại dương bao la.

Tình yêu đất nước qua sắc Xuân Trường Sa

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ và trẻ em tại đảo Sinh Tồn cùng trang trí cây mai, chậu quất đón không khí Tết cổ truyền đến nơi đầu sóng ngọn gió.

Trường Sa không chỉ là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là nơi hội tụ và gắn kết trái tim của người Việt ở mọi miền đất nước. Từng con sóng, từng hòn đảo, từng cây xanh nơi đây đều mang trong mình hơi thở của lịch sử, ý chí của dân tộc và tinh thần bất khuất của những con người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những chiến sĩ hải quân trẻ tuổi, những ngư dân kiên cường, các gia đình nhỏ bám trụ trên đảo, cùng những giáo viên, bác sĩ tận tụy - tất cả họ chính là minh chứng sống động nhất cho sức mạnh đoàn kết và ý chí kiên cường của người Việt Nam. Trong những ngày đầu Xuân, tinh thần ấy càng được nhân lên, khi đất liền và biển đảo cùng nhau hòa nhịp, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho nhau.

Ở Trường Sa, mùa Xuân không chỉ đơn thuần là thời khắc giao mùa, mà còn là biểu tượng cho sự sống, cho khát vọng hòa bình, độc lập và phát triển của dân tộc. Những con người nơi đây, dù xa đất liền hàng trăm hải lý, vẫn luôn hướng về quê hương với tình yêu cháy bỏng, như cách họ giữ vững lá cờ Tổ quốc trên từng điểm đảo.

Trong ánh nắng đầu Xuân, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên tòa nhà của Uỷ ban Nhân dân huyện đảo Trường Sa chiếu sáng toàn bộ không gian mênh mông của Trường Sa. Những cơn gió biển mang theo hơi thở mặn mòi, như gửi gắm lời nhắn nhủ từ nơi đầu sóng ngọn gió: “Trường Sa vẫn vững vàng, biển đảo vẫn bình yên, và những người con nơi đây luôn kiên cường vì Tổ quốc".

Nhìn lá cờ tung bay, tôi chợt thấy trong đó không chỉ là màu đỏ của đất mẹ, mà còn là máu thịt của những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Đó cũng là sắc Xuân thiêng liêng, trường tồn, gắn liền với ý chí và sức mạnh của người Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua.

Chú thích ảnh
Không khí Tết sôi động trên quần đảo Trường Sa, khi các chiến sĩ và người dân cùng nhau tổ chức các hoạt động đón xuân.

Từ Trường Sa, một lời chúc năm mới đầy ý nghĩa được gửi về đất liền: “Chúc quê hương một mùa xuân an lành, hạnh phúc. Hậu phương hãy yên tâm, bởi nơi đây, những người con đất Việt vẫn vững tay súng, giữ trọn mùa Xuân cho Tổ quốc".

Dẫu khoảng cách xa xôi, Trường Sa và đất liền vẫn luôn hòa chung một nhịp đập, cùng nhau xây dựng một đất nước mạnh mẽ, đoàn kết và tràn đầy niềm tin vào tương lai. Trường Sa - trái tim của biển đảo quê hương, mãi mãi là một phần không thể thiếu trong bản hòa ca bất tận của dân tộc Việt Nam.

Đức Hùng - Việt Dũng (viết từ Trường Sa)
Ra biển Trường Sa Lớn
Ra biển Trường Sa Lớn

Tác phẩm mới "Ra biển Trường Sa Lớn" là bài thơ của tác giả Nguyễn Đức Sơn viết trong chuyến hải trình đến với Trường Sa, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN