Theo đó, có trên 18.200 ha đất trồng lúa trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, khoảng 6.000 ha rau màu, còn lại là các cây trồng khác. Ngoài ra, hệ thống còn giúp bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho trên 38.000 hộ dân sinh sống ở vùng ven biển nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo huyện Gò Công Đông, ngay từ đầu mùa khô 2020 - 2021, địa phương đã triển khai kế hoạch đầu tư trên 9,66 tỷ đồng nạo vét 43 tuyến kênh mương nội đồng bị bồi lắng, đồng thời làm mới thêm 4 cống lấy nước phục vụ sản xuất trên địa bàn. Quan điểm của huyện Gò Công Đông là chủ động ứng phó hạn mặn, bảo vệ sản xuất đồng thời với tái cơ cấu sản xuất phù hợp đặc thù địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng khó khăn.
Do vậy, ngoài cây lúa năng suất cao, nông dân còn mở rộng diện tích cây màu những địa bàn xa nguồn nước theo các mô hình luân canh, xen canh với qui mô 1.500 ha trong vụ Đông Xuân, giúp tiết kiệm nước tưới vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ.
Ngay từ đầu mùa khô huyện Gò Công Đông triển khai nhanh các công trình thủy lợi phòng chống hạn mặn, giao các xã vận động nhân dân và tổ chức ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, dọn dẹp cỏ rác và lục bình khai thông dòng chảy, đưa nước đến từng chân ruộng. Địa phương cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền, cập nhật diễn biến mặn trong mùa khô để nhân dân biết và có biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng cho biết, trong mùa khô 2020 – 2021, huyện Gò Công Tây triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nhằm chủ động đối phó với hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống, không để thiên tai gây hại cho sản xuất vụ Đông Xuân.
Cùng với đầu tư hoàn thiện mạng lưới kênh mương, thủy lợi nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng, huyện Gò Công Tây còn đắp 124 đập trữ nước, phục vụ bơm tát phòng chống hạn khi mùa khô 2020 – 2021 vào cao điểm với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng.
Đồng thời, các địa phương trên còn tăng cường khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn cho bà con, khuyến khích nông dân tu sửa và nâng cao bờ vùng, bờ thửa, nạo vét ao mương vườn trữ nước chống hạn, không để thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất.
Là huyện nằm trong vùng duyên hải phía Đông tỉnh, Gò Công Tây thường xuyên phải đối mặt thiên tai hàng năm; trong đó gay gắt nhất là hạn mặn trong mùa khô đe dọa sản xuất và đời sống. Điển hình như hạn mặn khốc liệt trong mùa khô 2019 - 2020 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại đối với địa phương.
Từ thực tế trên đồng thời đúc kết những bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai, Gò Công Tây coi trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là đầu tư kiện toàn mạng lưới kênh mương nội đồng, cống đập lấy nước phục vụ tưới tiêu, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đầu mối của toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công mà huyện hưởng lợi kết hợp với các biện pháp phi công trình cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành hữu quan trong việc chung sức ứng phó hạn mặn.
Nhờ nỗ lực của địa phương kết hợp cùng với sự vận hành các cống lấy nước khoa học, hiệu quả của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang góp phần bảo đảm nguồn nước bơm tưới, đưa nước ngọt về các địa bàn cuối nguồn, ven biển Đông phục vụ sản xuất nên vụ Đông Xuân 2020 - 2021 cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu nước sản xuất.
Nông dân Gò Công Đông, Gò Công Tây giành thắng lợi lớn về vụ sản xuất lúa, hoa màu. Riêng trà lúa Đông Xuân thu hoạch sớm đạt năng suất bình quân 65,3 tạ/ha, cao hơn vụ Đông Xuân năm trước trên 12 tạ/ha, còn các loại rau màu đều cho thu nhập cao gấp từ 2 – 3 lần so với trồng lúa năng suất cao.