Nước mặn lên cao nhất đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu (8-16/2/2021), độ mặn 4g/lít có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính trên sông Vàm Cỏ từ 75-90km, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Để chủ động ứng phó với tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã quyết định công bố tình huống thiên tai do xâm nhập mặn cấp độ 1.
Theo đó, các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để thực hiện ứng phó, khắc phục trong thời gian xảy ra thiên tai do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An được thực hiện theo tình huống khẩn cấp.
UBND tỉnh Long An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Các lực lượng chức năng tỉnh Long An tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đào xới, san lấp, lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch gây sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước của công trình; xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi.
Ông Võ Kim Thuần - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An cho biết, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gay gắt gây thiệt hại gần 2.800 ha diện tích vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa và thành phố Tân An... Trong đó, có gần 857 lúa ha mất trắng trên 70%; hơn 1.890 ha lúa thiệt hại từ 30- dưới 70%; gần 8 ha rau, màu bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là hơn 55,4 tỉ đồng.