Sức sống Trường Sa

Đến Trường Sa hôm nay, chúng ta sẽ thấy nhà ở, đường bê tông, hệ thống điện bằng năng lượng sạch từ sức gió và mặt trời, bể chứa nước ngọt, trạm phát sóng FM, thông tin liên lạc Viettel, visat... đã làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của quân dân trên đảo.

Video về cuộc sống trên quần đảo Trường Sa:

Theo Đại tá Nguyễn Thiên Quân, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, hiện nay từ đất liền đã kết nối cầu truyền hình, phát thanh trực tuyến đến các đảo. Trụ sở làm việc của UBND các xã, thị trấn Trường Sa được xây dựng, sửa chữa và trang bị phương tiện làm việc cơ bản đầy đủ. Các điểm đảo được trang bị xuồng có sức cơ động nhanh, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. 

Huyện đảo Trường Sa hiện có những âu tàu tại đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn… với sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn; các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền, 2 làng chài là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Thượng tá Hoàng Thanh Tứ, Đảo trưởng Đảo Song Tư Tây cho biết: Các cơ sở hậu cần nghề cá đã giúp hàng ngàn lượt tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa... đến nghỉ ngơi, tránh trú giông bão, bảo đảm được cấp miễn phí nước ngọt, lương thực, thực phẩm, y tế, mua nhiên liệu, sửa chữa... 

Chú thích ảnh
Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân ân cần thăm hỏi nhân dân trên đảo Trường Sa.
Chú thích ảnh
Chiến sĩ hải quân canh gác cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.
Chú thích ảnh
Ngày nay, bộ đội trên đảo Thuyền Chài B đã được dùng nước ngọt thoải mái nhờ có hệ thống bể chứa nước mưa và máy lọc nước biển thành nước ngọt để tắm giặt, sinh hoạt.
Chú thích ảnh
Rau xanh tươi tốt trên đảo Đá Nam.
Chú thích ảnh
Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn không chỉ là nơi thực hành tín ngưỡng tôn giáo mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa của quân dân trên đảo.

Theo Đại tá Lê Đình Hải, Lữ đoàn Phó, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, các công trình dân sinh như trụ sở HĐND và UBND xã, thị trấn, nhà ở, trường học, bệnh xá, các chùa, công viên, tượng đài, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, thể thao... được tôn tạo, xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu cơ bản đời sống của quân và dân trên đảo. 

Các xã, thị trấn có các trường tiểu học, giáo viên đảm nhiệm dạy các lớp từ mẫu giáo đến tiểu học. Chất lượng giáo dục và lực học của học sinh khá vững chắc. Kết quả kiểm tra đánh giá hàng năm học sinh đều đạt khá, giỏi, 100% các cháu vào bờ học tiếp đều theo kịp chương trình và đạt lực học khá, giỏi.

Khu dân cư trên đảo được thiết kế đẹp, thoáng mát với vườn rau, khu chăn nuôi. Tới thăm gia đình anh chị Thái Minh Khai và Vy Thu Trang trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi nhận thấy các hộ dân đều có thiết bị điện gia dụng khá đầy đủ. Sóng điện thoại phủ khắp các đảo ở Trường Sa, liên lạc qua sóng viễn thông di động thông suốt, nhờ đó mà thông tin giữa quân và dân ở huyện đảo với đất liền được nhanh chóng, kịp thời.

Các xã, thị trấn của huyện đảo đều có trạm xá, bệnh xá với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường cho người dân trên các đảo. Các y, bác sĩ còn khám chữa bệnh, cấp cứu, cấp thuốc cho ngư dân hoặc những trường hợp gặp thiên tai, hoạn nạn.

Chú thích ảnh
Cột phát sóng Viettel phủ khắp các đảo ở Trường Sa góp phần giúp cho việc liên lạc qua sóng viễn thông di động thông suốt.
Chú thích ảnh
Thượng úy Lê Hoàng Cương, bác sĩ, Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân.
Chú thích ảnh
Lễ tổng kết năm học 2021-2022 của các em học sinh Trường Tiểu học đảo Sinh Tồn.
Chú thích ảnh
Xuồng CQ trên các điểm đảo được trang bị đầy đủ góp phần giúp bộ đội Trường Sa di chuyển và ứng cứu kịp thời khi có cứu hộ, cứu nạn.
Chú thích ảnh
Âu tàu trên đảo Sinh Tồn với diện tích rộng, cùng một lúc có thể chứa gần 100 tàu cá ngư dân vào tránh trú bão.

Tuy cách xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và công sức của bộ đội cùng với tình cảm của nhân dân cả nước, diện mạo Trường Sa hôm nay đã thay đổi và phát triển không ngừng. Quân và dân huyện Trường Sa luôn tiếp nối truyền thống các thế hệ cha anh đi trước, đoàn kết một lòng, quyết tâm bảo vệ, gìn giữ và phát triển kinh tế - xã hội các đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.

Bài, ảnh, clip: Viết Tôn/Báo Tin tức
Kiều bào vượt hàng nghìn hải lý đến thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1
Kiều bào vượt hàng nghìn hải lý đến thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1

Chiều 25/5, tại Khánh Hòa, hơn 40 kiều bào về từ 17 quốc gia trên thế giới đã kết thúc chương trình Đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN