Sau hai năm bị hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình ý nghĩa đã mang lại nhiều cảm xúc khó quên cho các kiều bào. Đây là năm thứ 10 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đưa các đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa.
Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là hoạt động ý nghĩa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đây cũng là dịp để kiều bào từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chương trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Công tác phối hợp tổ chức chuyến đi trong hoàn cảnh tác động của dịch COVID-19 đã góp phần thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong suốt chặng đường 10 năm qua, kiều bào từ nhiều nước trên thế giới luôn tích cực ủng hộ nguồn lực vật chất và tinh thần cho Trường Sa. Trong chuyến đi lần này, bà con ta tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới tiếp tục tích cực đóng góp nguồn kinh phí quan trọng để đóng xuồng chủ quyền và tặng quà, hiện vật thiết yếu hỗ trợ đời sống, công tác của quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Đến nay, bà con đã đóng góp hơn 215 triệu đồng mua quà, hiện vật tặng huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; khoảng 2,1 tỷ đồng để đóng xuồng chủ quyền. Theo kế hoạch, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tiếp nhận ủng hộ của kiều bào để đóng xuồng chủ quyền tặng huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đến giữa tháng 6/2022.
Trong chương trình làm việc tại Trường Sa, Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Hải quân, Trưởng Đoàn công tác số 8 đã tiếp nhận ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời trân trọng cảm ơn những đóng góp ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần của các đại biểu kiều bào cũng như bà con ta trên khắp thế giới đã chung tay góp sức ủng hộ, giúp bổ sung cơ sở vật chất và cải thiện đời sống, công tác cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại Trường Sa.
Trong chuyến đi từ ngày 17-25/5, bà con đã đến thăm các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn A, Sinh Tồn, Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Tây C, Trường Sa. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, Đoàn không thể vào đảo Đá Đông B, đảo Trường Sa Đông và Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần theo dự kiến ban đầu. Tại các đảo, các kiều bào được nghe, tìm hiểu thông tin về tình hình công tác, đời sống của cán bộ, chiến sỹ; thăm hỏi, động viên và tặng quà quân dân tại các điểm đảo; thăm trường học, nhà dân, chùa tại các đảo nổi; tham dự Lễ chào cờ, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thăm các âu tàu, làng chài, trạm xá… theo điều kiện thực tế tại từng điểm đảo.
Ngày 19/5, tại Lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1930-2022) trên tàu Trường Sa 571, đại biểu kiều bào xúc động bày tỏ tình cảm với Bác trong chương trình giao lưu "Tình Bác ấm Biển Đông". Sáng 24/5, các đại biểu kiều bào đã tham dự Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong không khí nghiêm trang và xúc động tại boong tàu...
Chuyến thăm tới các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 góp phần khẳng định mạnh mẽ đối với chủ quyền biển đảo Tổ quốc nước ta. Qua chuyến đi, các kiều bào được hiểu thực tế về tình hình biển đảo Tổ quốc, qua đó thắt chặt hơn nữa tình quân dân, tình cảm giữa kiều bào với nhân dân trong nước, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước. Mỗi hải trình về Trường Sa và Nhà giàn DK1 là động lực để các kiều bào tiếp tục đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau, cả về vật chất và tinh thần; đồng thời góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.