Bắt đầu từ con số không, đến năm 2016, Việt Nam đã chính thức có Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước với tất cả các cán bộ đã được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, có khả năng làm việc dưới nước với thiết bị kỹ thuật chuyên dụng ở độ sâu 20 m so với mặt nước. Năm 2016 ,Trung tâm được cấp 10 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng. Trong năm 2017, cán bộ nghiên cứu sẽ có thuyền nghiên cứu, các thiết bị lặn để thực hiện công tác khảo sát, đào tạo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng để thực hiện khai quật chính thức khảo cổ học dưới nước vì đòi hỏi nhiều về thiết bị, nhân lực và nguồn tài chính chưa cho phép.
Trong giai đoạn 2014 -2016, hàng năm, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học Australia, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc tổ chức chương trình tập huấn quốc tế về khảo cổ học dưới nước. Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên về khảo cổ học dưới nước “Khảo cổ học dưới nước Việt Nam và Đông Nam Á: hợp tác và phát triển”, thu hút được nhiều quốc gia tham gia và được lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2014.
Cổ vật khai quật từ con tàu cổ. Ảnh: Thanh Long/TTXVN |
Đầu năm 2017, hội thảo quốc tế lần 2 về khảo cổ học dưới nước sẽ được tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) với chủ đề “Bảo tồn di sản khảo cổ học dưới nước vì lợi ích cộng đồng” để chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia. Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học Việt Nam, giai đoạn đầu sẽ tập trung khảo sát, khai quật ứng cứu và lập hồ sơ các di chỉ khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; nghiên cứu các di tích và di vật của các di chỉ khảo cổ học dưới nước và các tư liệu có liên quan nhằm tăng cường hiểu biết về lịch sử hàng hải, lịch sử trao đổi văn hóa và thương mại trên vùng biển Việt Nam; xuất bản các bài viết về khảo cổ học dưới nước.
Năm 2016, Chương trình khảo cổ học hàng hải Việt Nam đã tiến hành một loạt các hoạt động khảo sát nghiên cứu tại các di tích nằm trong khu vực cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), Đầm Lải, khu vực dọc sông Bạch Đằng (Hải Phòng) và các mảnh tàu đắm Châu Tân, khu vực biển Bình Châu (Quảng Ngãi). Đợt điền dã đã xác định những khu vực tiềm năng để mở các hố khai quật cho các đợt nghiên cứu tiếp theo. Khu vực biển Bình Châu cần được tiếp tục nghiên cứu khảo sát bằng các phương pháp không tác động của khảo cổ học dưới nước...