Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển Thanh Hóa

Ngày 7/4, Sở NN&PTNT Thanh Hóa ban hành kế hoạch tăng cường thực hiện Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa năm 2017 tới các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thị xã Sầm Sơn.

Theo đó, từ nay đến 15/5, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa sẽ phối hợp với các huyện, xã vùng biển, bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tranh cổ động, khẩu hiệu, phát tờ rơi... nhằm thông tin sâu rộng các chỉ thị, nghị định, thông tư... của Chính phủ, UBND tỉnh, các bộ, ngành liên quan, về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về vùng, đối tượng và thời gian cấm khai thác tới người dân vùng biển và trên toàn tỉnh.

Ngư dân đánh bắt hải sản tại vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Các xã ven biển tổ chức cho chủ tàu ký cam kết không vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đồn biên phòng ven biển, cảnh sát đường thủy, địa phương ven biển tuần tra, kiểm soát nghiêm vùng ven bờ, vùng cửa lạch và các xã trọng điểm...

Sau 8 năm (2008 - 2016) thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 6/3/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức “Tháng Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển tỉnh Thanh Hóa”, nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ phục hồi và gia tăng đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và đời sống của ngư dân.

Tình trạng sử dụng xung điện, thuốc nổ, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản đã giảm. Đa số các hộ khai thác bằng nghề đăng, đáy tại vùng cửa sông, ven biển vi phạm đã tự giác tháo dỡ. Sự phối hợp giữa các ngành, chính quyền các địa phương trong công tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; kiểm tra, kiểm soát được duy trì thường xuyên...

Ông Lê Quang Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, cho biết, đây là năm thứ 9 Thanh Hóa triển khai thực hiện “Tháng Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển”. Hiện tỉnh có nhiều phương tiện khai thác hải sản nhưng còn ít tàu đủ điều kiện khai thác xa bờ mà chủ yếu phương tiện khai thác hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng. Số lượng tàu khai thác vùng ven bờ nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và thu nhập của ngư dân.

Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt chủ yếu do người dân khai thác quá mức hoặc sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt. Thanh Hóa đang phấn đấu tăng số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ, vận động ngư dân đầu tư cải hoán, đóng mới, nâng công suất tàu cá, phát triển đội tàu khai thác xa bờ; đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng được yêu cầu sản xuất."


Trong Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa năm 2017, địa phương đặt mục tiêu hơn 90% cán bộ, ngư dân các xã nghề cá tại huyện ven biển được phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu giảm hơn 70% số vụ vi phạm về sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản; giảm hơn 80% số tàu cá có công suất lớn hơn 90 CV khai thác bằng nghề lưới kéo khai thác sai vùng; không có trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc trong khai thác thủy sản...

Hoa Mai (TTXVN)
Ngư dân Quảng Trị được mùa đánh bắt hải sản
Ngư dân Quảng Trị được mùa đánh bắt hải sản

Sau một thời gian dài ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển, từ đầu năm 2017 đến nay ngư dân trong tỉnh Quảng Trị liên tiếp ra khơi đánh bắt được những mẻ cá lớn có giá trị kinh tế cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN