G7 muốn giải quyết hoà bình xung đột ở Biển Đông

Bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đang nhóm họp ở Nhật Bản vẫn muốn can dự vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Báo “die Welt“ (Thế giới) của Đức ngày 26/5 dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ: "Chúng tôi có chung quan điểm là muốn giải quyết một cách hòa bình cuộc xung đột (ở Biển Đông)".

Theo nhà lãnh đạo Đức, G7 cũng nhất trí coi các thể chế quốc tế, như toà án ở La Haye (Hà Lan), là những nơi hợp pháp cho những tranh chấp như vậy. Dự kiến, toà án ở La Haye sẽ ra phán quyết về tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 6 tới, điều Bắc Kinh sẽ không chấp nhận.

Ngày họp đầu tiên của lãnh đạo các nước G7 và lãnh đạo Liên minh châu Âu. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuyên bố của bà Merkel được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng G7 nên quan tâm tới các vấn đề của mình thay vì can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Theo báo "die Zeit" (Thời đại) của Đức, đây được cho là phản ứng của Bắc Kinh trước kế hoạch của G7 nêu quan điểm của mình về cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Báo này cũng cho biết, Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết vùng Biển Đông, đồng thời đã tiến hành xây các đảo nhân tạo, đường băng cũng như căn cứ quân sự để chứng minh cho tuyên bố chủ quyền phi lý của họ.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 27/5, các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp ở Nhật Bản đã ra tuyên bố khẳng định cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu là vấn đề mà cả thế giới phải tìm cách giải quyết.

Tuyên bố kết thúc hội nghị nêu rõ: "G7 thừa nhận rằng những dòng người di cư và tị nạn khổng lồ đang diễn ra hiện nay là một thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự ứng phó của cả thế giới".

Bên cạnh đó, các cường quốc công nghiệp nhóm G7 đã bày tỏ quan ngại về các nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời cam kết tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.

Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài 2 ngày tại Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cũng cam kết tránh phá giá đồng nội tệ để tạo sự cạnh tranh, trong khi cảnh báo không áp dụng các biện pháp tỷ giá một cách bừa bãi.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và không đúng với tiềm năng, trong khi các nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn tồn tại. Tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp của chúng tôi".

TTXVN/Tin Tức
Hội nghị cấp cao G7: Chủ nhà bận rộn
Hội nghị cấp cao G7: Chủ nhà bận rộn

Tuần này, bên cạnh chuyến công du lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam, dư luận quốc tế đang hướng sự quan tâm đến Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7), diễn ra từ ngày 26 - 27/5 tại tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN