Đồng hành với ngư dân
Từ năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam ký kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Cà Mau về việc phối hợp thực hiện Chương trình “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân”, giao Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc - Kiên Giang) và Ban Dân vận Tỉnh ủy hai địa phương là các cơ quan thường trực phối hợp thực hiện.
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 Lê Văn Tú cho biết, để từng bước giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang, Ban Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau, các nhà tài trợ, nhà hảo tâm tổ chức thành công Chương trình tại 14 xã, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố của hai địa phương kể trên.
Bộ Tư lệnh Vùng đã tổ chức 10 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” và 13 đợt tập trung tuyên truyền cho trên 5.000 lượt chủ tàu cá, ngư dân, giáo viên, học sinh ở khu vực biên giới biển nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chủ quyền biển, đảo, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), đặc điểm, cách nhận biết, phòng, chống tác hại của ma túy và đấu tranh phòng chống ma túy. Bộ Tư lệnh Vùng kết hợp tặng hơn 5.000 lá cờ Tổ quốc, 170 tủ thuốc y tế, 200 phao cứu sinh, phát hơn 13.500 tờ rơi, 1.000 sách và tập tài liệu tuyên truyền tới ngư dân.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Vùng triển khai các hoạt động, chính sách an sinh xã hội và tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh; tổ chức thăm hỏi, tặng quà 500 gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 500 triệu đồng; tặng 100 xe đạp, 300 cặp sách và 200 suất học bổng cho học sinh, nhận đỡ đầu 9 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng.
Bộ Tư lệnh Vùng và Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh ký kết chương trình phối hợp triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng khu vực biên giới biển, hải đảo giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, hai bên đã tiến hành khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 2.500 lượt người, trao 50 phiếu mổ mắt miễn phí, mỗi phiếu trị giá 15 triệu đồng cho các bệnh nhân bị bệnh về mắt.
Cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh Vùng quyên góp, hỗ trợ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Năm Căn (Cà Mau) 13 triệu đồng; trao tặng, cấp phát trên 16.000 khẩu trang, 350 chai nước rửa tay sát khuẩn, phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ 3.150 kg gạo, 140 m3 nước ngọt, 50 bình nước lọc 20 lít, 10 thùng đựng nước 120 lít cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và hạn hán, xâm ngập mặn.
Đoàn Thanh niên của Bộ Tư lệnh Vùng phối hợp với Đoàn thanh niên các địa phương tổ chức 13 đợt phát động, dọn vệ sinh môi trường biển, thu gom và xử lý hơn 50 tấn rác thải các loại... Cùng với đó tổ chức 5 đợt phối hợp với UBND các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng rà soát 90 phương tiện chính thức với 1.038 lượt ngư dân và 61 phương tiện dự bị với 694 lượt ngư dân sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Điểm tựa cho ngư dân
Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó Tư lệnh pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, để nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân cũng như những hiểu biết về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng đã quán triệt, thực hiện các kế hoạch của cấp trên.
Bộ Tư lệnh Vùng xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát Biển Việt Nam; tuyên truyền về Luật kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền về lực lượng Cảnh sát Biển cho trên 20.000 thuyền viên của hơn 2.500 lượt phương tiện.
Bộ Tư lệnh Vùng phối hợp với UBND các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Cảnh sát Biển Việt Nam cho cán bộ, đảng viên và ngư dân; thực hiện chương trình “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân” tại xã, đảo thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau…
Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của ngư dân hoạt động trên biển từ đó họ ủng hộ, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát Biển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, ngư dân, chủ phương tiện đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nhất là việc chấp hành về chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian qua, góp phần đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển.
Phó Tư lệnh pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 Nguyễn Văn Tranh cho rằng, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam 2018 được ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quy định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam. Đây là cơ sở để lực lượng Cảnh sát Biển thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên biển trong thời gian qua.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 đã tổ chức 169 chuyến tuần tra kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển theo kế hoạch và đột xuất với 198 lượt tàu, xuồng tham gia.
Lực lượng Cảnh sát Biển tiến hành kiểm tra, tiếp nhận và xử lý 38 vụ, với 48 tàu có hành vi mua bán, vận chuyển dầu D.O trái phép trên biển. Tổng số tiền xử phạt và bán tài sản tịch thu là hơn 64 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát Biển đang điều tra 5 vụ với 5 tàu vi phạm.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 tăng cường phối hợp với các lực lượng Vùng 5 Hải quân và Bộ đội Biên phòng hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau để nắm tình hình, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép bằng đường biển...
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng đã phát hiện, kiểm tra 3 vụ/5 tàu với 12 thuyền viên nhập cảnh trái phép từ Campuchia bằng đường biển, tiến hành các thủ tục và bàn giao vụ việc cho Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới theo quy định.
Bên cạnh những kết quả trên, lực lượng Cảnh sát Biển luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ ngư dân trên biển, là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển. Cụ thể, Bộ Tư lệnh Vùng đã cứu hộ, cứu nạn thành công 33 vụ với 12 phương tiện; sơ, cấp cứu 99 thuyền viên gặp nạn trên biển. Qua đó tạo được sự tin tưởng, yêu mến và gắn bó mật thiết giữa ngư dân và lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.