Toàn huyện đảo Phú Quý có hơn 1.200 tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.
|
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km với diện tích mặt biển hơn 52.000 km2, là một trong những ngư trường lớn của cả nước.
Biển Bình Thuận phong phú về chủng loại với 500 loài cá, trữ lượng 220.000 tấn, hàng năm có khả năng khai thác 120.000 tấn. Trữ lượng nhuyễn thể hai vỏ ước tính trên 50.000 tấn, khả năng khai thác có thể đạt 25.000 - 30.000 tấn/năm. Trữ lượng mực 10.000 - 15.000 tấn, khả năng khai thác 6.300 - 7.200 tấn/năm…
Ven bờ biển Bình Thuận có nhiều đảo, cù lao, vũng, vịnh, bãi biển có cảnh đẹp với nhiều bãi cát trắng, nước biển trong xanh rất phù hợp với phát triển du lịch…
Hiện Bình Thuận là một trong những địa phương có đội tàu đánh cá gần bờ và xa bờ nhiều nhất của cả nước. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có gần 8.500 tàu thuyền hoạt động trên biển, trong đó trên 2.000 tàu khai thác xa bờ với tổng công suất trên 567.000 CV. Số lượng tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển đã lên đến gần 100 chiếc, công suất từ 90 CV trở lên.
Tuy nhiên, hiện nay tại Bình Thuận của xuất hiện tình trạng, nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, thủy triều đỏ xuất hiện nhiều hơn, rác biển, sinh cảnh và cảnh quan ven biển bị xâm hại và suy thoái; việc nuôi trồng thuỷ sản ven sông, ven biển, các loại rác thải từ lục địa do lũ cuốn trôi đã làm giảm chất lượng nước mặt vùng biển ven bờ.
Bên cạnh đó, tình trạng biển xâm thực hàng năm đã làm nhiều bờ biển sạt lở, người dân mất nhà, mất đất; thêm vào đó là việc quy hoạch phát triển và khai thác tài nguyên chưa hợp lý, thiếu đồng bộ cũng tạo áp lực, tiềm ẩn thiệt hại và thảm họa, đòi hỏi cần có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa lâu dài…
Thời gian qua các địa phương, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực giải quyết những vấn đề bức xúc từ biển, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, nhất là đối với vùng ven bờ, nơi tập trung đông dân cư với đa dạng loại hình phát triển kinh tế…
Chiến lược quản lý tổng hợp ven bờ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Bình Thuận ban hành, nhằm quản lý để các nguồn tài nguyên, giá trị chung của biển và vùng ven bờ được sử dụng hợp lý, lâu bền, tiến tới giảm thiểu mâu thuẫn sử dụng ven bờ giữa các ngành, các cấp nhằm tránh những rủi ro của thiên tai và đạt được sự phát triển bền vững vùng ven bờ.
Đây cũng là cơ sở quan trọng từng bước cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn và giữ gìn tài nguyên, sử dụng hợp lý các giá trị chung vùng ven bờ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân sinh trước mắt và lâu dài.
Nội dung chiến lược quản lý tổng hợp ven bờ là tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị, phương thức sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, giá trị chung vùng ven bờ và bảo vệ môi trường vùng ven bờ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trang bị cơ sở vật chất; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ tốt vùng ven biển, phục hồi dải rừng phòng hộ trên cồn cát, rặng san hô, khu bảo tồn thiên nhiên, nguồn lợi thủy sản, cảnh quan thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử vùng ven bờ; giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường do sự phát triển của các hoạt động kinh tế tổng hợp, đô thị hóa vùng bờ, sự cố môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu… nhằm bảo vệ chất lượng môi trường các hệ sinh thái; sử dụng bền vững tài nguyên vùng ven bờ, giảm xung đột lợi ích trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế trước mắt và lợi ích bảo vệ môi trường lâu dài.
Phạm vi của Chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm: vùng biển ven bờ của tỉnh có ranh giới cách bờ khoảng 6 hải lý và vùng đất ven biển là các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và huyện đảo Phú Quý, trong đó tập trung vào các xã ven biển. Tuy nhiên, mỗi nhiệm vụ đề xuất trong chiến lược có thể được thực hiện trong một phạm vi hẹp hơn hoặc mở rộng hơn, tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của nhiệm vụ, nhu cầu và năng lực của địa phương.