Trước thực trạng này, một giải pháp đồng bộ để phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng bền vững đang là vấn đề bức thiết đặt ra.
Anh Võ Văn Thạch, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, chủ tàu BV96279, hành nghề lưới rê công suất 1300 CV cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay tàu của gia đình anh mới ra khơi được 3 chuyến biển. Đầu năm thì tàu bị mắc cạn do cửa biển Bến Lội - Bình Châu (nơi tàu anh neo đậu) bị bồi lấp không thể ra khơi. Khi cửa biển được khơi thông thì tàu ra khơi đánh bắt lại liên tục bị lỗ, giá dầu tăng cao nên tàu lại phải nằm bờ, nợ nần chồng chất tàu nằm bờ cũng không yên nên anh lại tìm kiếm ngư trường để ra khơi đánh bắt.
Anh Thạch nhẩm tính, 3 chuyến ra khơi mà tàu của gia đình anh đã lỗ gần 500 triệu đồng. Chuyến biển gần đây nhất vào bờ vào tháng 10/2018, sau một tháng lênh đênh đánh bắt trên biển, số cá mà tàu đánh bắt được bán cho thương lái chỉ thu được 86 triệu đồng, chuyến đánh bắt này anh lỗ 250 triệu đồng.
Anh Thạch buồn rầu cho biết thêm, năm nay thời tiết trên biển rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, do tàu anh hành nghề lưới rê, mắt lưới khá to những con cá trên 2kg trở lên mới không lọt lưới, trong khi đó ngư trường đánh bắt ngày càng cạn kiệt, mặc dù anh luôn nỗ lực liên tục tìm ngư trường đánh mới trong nước nhưng số hải sản đánh bắt được không được là bao. Số tàu đánh bắt hải sản trên biển lại quá đông, ngư trường đánh bắt hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến các tàu thua lỗ sau mỗi chuyến ra khơi.
Ông Huỳnh Cấy, ngư dân phường 5, thành phố Vũng Tàu, hiện đang sở hữu 2 tàu lưới vây, tổng công suất 1.000CV cũng ở trong tình trạng tương tự. Thông thường mọi năm, mỗi chuyến biển kéo dài gần 1 tháng, cặp tàu của ông Cấy đánh bắt gần 30-35 tấn cá ngừ, cá nục, bạc má, cá thu… Với giá bán bình quân (cho tàu dịch vụ thu mua ngoài biển) 20-25 ngàn đồng/kg cá ngừ, 7 ngàn đồng/kg cá nục, 25 ngàn đồng/kg cá ngân, sau khi trừ chi phí, ông Cấy thu lãi hơn 100 triệu đồng/chuyến biển.
Tuy nhiên, năm nay, sản lượng cá đánh bắt thấp kỷ lục. Ông Cấy cho biết, các chuyến biển từ đầu năm đến nay chỉ đạt 10-15 tấn/chuyến, chỉ bằng gần 50% so với trước. Dù giá cá đã tăng 3-10 ngàn đồng/kg cá (tùy loại) nhưng ông vẫn lỗ cả chục triệu đồng/chuyến biển.
Ông Huỳnh Cấy nhận định: “Nguyên nhân chính khiến sản lượng đánh bắt giảm mạnh là do nguồn lợi hải sản cũng đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, sau nhiều năm các tàu lưới kéo (giã cào) “hoành hành” đánh bắt mang tính tận diệt và phá hủy môi trường sống của hải sản, lượng hải sản tại các ngư trường giảm mạnh”.
Tại các địa phương khác, theo nhiều ngư dân sản lượng đánh bắt hải cũng không mấy khả quan. Nhiều năm trở lại đây sản lượng hải sản có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, chưa có năm nào giảm mạnh như năm nay, hiện chỉ bằng 50-60% so với mọi năm. Do đó, từ đầu năm đến nay, hầu hết ngư dân đều bị thua lỗ, sản lượng đánh bắt hải sản giảm mạnh so với mọi năm.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số tàu đánh bắt gần bờ của tỉnh rất lớn, làm mất cân bằng giữa năng lực khai thác và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi.
Hiện nay, lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác chiếm tỷ lệ khá lớn (khoảng 30-40%). Sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép khai thác. Ở một số vùng biển có độ sâu dưới 30m, sản lượng đánh bắt đã vượt giới hạn cho phép.
Ngoài ra, việc đánh bắt bằng nghề giã cào thời gian qua cũng làm cho nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.600 tàu lưới giã cào, chiếm tỷ lệ 25% so với tổng số tàu đánh bắt trên địa bàn tỉnh.
Để giải quyết tình trạng trên, các ngành chức năng đang tăng cường giám sát việc đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; không cho đóng mới tàu cá có chiều dài dưới 15m, công suất máy dưới 90CV và tàu cá hành nghề lưới giã cào. Đồng thời, khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề lưới giã cào sang nghề lưới rê, câu, vây, lồng bẫy; tăng cường hỗ trợ bà con ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác xa bờ công suất trên 90CV và ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm.
Ngoài ra, cần có quy hoạch các vùng khai thác, vùng cần bảo vệ nguồn lợi ở cấp độ quốc gia. Nếu cứ đánh bắt vô tội vạ không có chọn lọc như hiện nay, chỉ vài năm nữa biển sẽ không còn nguồn lợi để khai thác…