Qua rà soát, tại Thanh Hóa có nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính hoặc có tiền sử đến khám bệnh và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K Trung ương... trở về địa phương.
Tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, từ khi Bệnh viện K tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân đối với cả 3 cơ sở (từ ngày 7/5), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bệnh viện đã họp khẩn cấp, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, nâng các biện pháp phòng chống dịch lên mức cao nhất. Cùng với đó, bệnh viện tiến hành rà soát và siết chặt kế hoạch tiếp đón, sàng lọc, phân luồng cách ly tại 2 cửa tiếp đón. Tất cả người bệnh, người nhà người bệnh, những người đã từng đến, có mặt tại Bệnh viện K từ ngày 22/4 đều phải khai báo y tế để điều tra, sàng lọc nguy cơ, thực hiện xét nghiệm và áp dụng các biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp theo quy định.
Các bệnh nhân khi vào bệnh viện đều bảo đảm được khai thác đầy đủ các triệu chứng và yếu tố dịch tễ. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên làm công tác sàng lọc có trách nhiệm nhắc nhở, yêu cầu mọi người khi vào bệnh viện đều phải mang khẩu trang và vệ sinh tay. Tại các khoa lâm sàng tuân thủ nghiêm túc việc giãn cách theo đúng quy định.
Cùng với công tác sàng lọc, hiện nay, đơn vị đã cập nhật phác đồ điều trị, rà soát lại khu điều trị cách ly, thuốc, vật tư, thiết bị phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân có yếu tố dịch tễ nghi ngờ. Rà soát nhân lực, phương tiện, thiết bị cấp cứu, máy thở, cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đến nay, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã rà soát, truy vết được 31 trường hợp liên quan đến ổ dịch Bệnh viện K đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tất cả các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 lần 1. Hiện còn 14 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị nội trú tại khu vực cách ly riêng.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện bệnh viện đã nâng cấp độ phòng, chống dịch lên cao nhất. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, bệnh viện đã chuyển toàn bộ số bệnh nhân có liên quan tới Bệnh viện K từ các khoa lâm sàng xuống phòng cách ly tạm thời tại Khu cách ly tập trung bệnh nhân có yếu tố dịch tễ và nghi ngờ. Bệnh viện cũng xây dựng phương án nếu có đông bệnh nhân liên quan tới Bệnh viện K đến khám, điều trị thì sẽ trưng dụng toàn bộ Khoa Cấp cứu Hồi sức thành nơi cách ly tạm thời. Đồng thời trưng dụng toàn bộ tầng 9 - Khoa Cấp cứu hồi sức thành nơi cách ly cho các bệnh nhân”.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 700 - 1.000 bệnh nhân khám ngoại trú và 1.200 bệnh nhân điều trị nội trú. Ngoài việc duy trì tốt công tác sàng lọc, phân luồng các trường hợp nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ cổng và khu vực đón tiếp ban đầu, bệnh viện đã siết chặt kiểm soát người ra vào các khoa, phòng, hạn chế tối đa số người nhà vào thăm bệnh nhân. Đồng thời, yêu cầu mỗi bệnh nhân điều trị nội trú chỉ bố trí 1 người chăm sóc và hạn chế việc thay đổi người. Đối với các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh viện sẽ thực hiện việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng hạn chế chuyển tuyến cho các bệnh nhân, chỉ chuyển tuyến đối với những người bệnh có diễn biến nặng, vượt quá năng lực, kỹ thuật của Bệnh viện. Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, lượng bệnh nhân chuyển tuyến trên của Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đã giảm 50% so với thời gian trước.
Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế cũng như thông báo của một số bệnh viện tuyến trên về việc dừng tiếp nhận hoặc hạn chế tối đa việc chuyển tuyến, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc men, trang thiết bị điều trị cho nhóm bệnh nhân nặng, chạy thận nhân tạo, các bệnh mạn tính... Đối với những bệnh nhân nặng, Bệnh viện sử dụng hệ thống Telemedicin để hội chẩn trực tiếp từ các chuyên gia đầu nghành từ các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Trong thời điểm này, bệnh viện cũng hạn chế chỉ định nhập viện điều trị nội trú, chỉ nhập viện những trường hợp cấp cứu, bệnh nặng và tuyệt đối không để bệnh nhân nằm ghép."
Hiện tất cả hệ thống y tế ở Thanh Hóa đã kích hoạt ở mức độ cao để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, trong đó việc nghiêm túc các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh cũng như tăng cường đánh giá bệnh viện, phòng khám theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Ngành Y tế Thanh Hóa đang yêu cầu các đơn vị tiến hành rà soát các điều kiện của khu điều trị cách ly tạm thời trong bệnh viện, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp được coi là ca bệnh nghi ngờ đến khám, chữa bệnh và các bệnh nhân từ bệnh viện tuyến trên về điều trị.
Với những nỗ lực của ngành Y tế, sự nghiêm túc của người dân trong việc thực hiện những quy định và khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế, Thanh Hóa sẽ cùng cả nước chung tay tấn công, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.