Bé gái 11 tuổi phải thở máy vì bị rắn hổ đất cắn

Ngày 10/6, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa tiếp nhận và cứu sống bệnh nhi 11 tuổi (ngụ Gò Công, Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng do bị rắn hổ đất cắn.

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh nhi nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng kèm sưng bầm vùng cổ chân phải với dấu rắn cắn ở mắt cá trong.

Chú thích ảnh
Sau khi được truyền 8 lọ huyết thanh, bệnh nhi đã tỉnh và tự thở. Ảnh: BV

Theo ghi nhận bệnh sử, buổi sáng bé vào nhà bếp thì bị rắn cắn ở vùng cổ chân phải, người nhà nghi là rắn hổ đất. Khoảng một tiếng sau khi bị rắn cắn, người nhà mang bé đến thầy lang hút nọc rắn, bó chân. Về nhà bé nôn ói nhiều, than mệt và tiếp xúc kém nên nhập Bệnh viện Sản nhi Hậu Giang trong tình trạng lơ mơ, thở mệt.

Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán theo dõi rắn hổ đất cắn, được xử trí cấp cứu thở oxy, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết rắn cắn và chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, hội chẩn truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và chuyển khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị tiếp. Tại đây, bệnh nhi được thở máy, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết thương kiểm soát tình trạng nhiễm trùng sau nhiễm độc. Sau khoảng 10 giờ truyền huyết thanh kháng nọc, bé tỉnh, tự thở tốt và được cai máy thở.

Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, ăn uống được, vết thương rắn cắn tiến triển tốt.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, rắn cắn thường xảy ra nhiều vào mùa mưa do rắn hay bò vào nhà, nhất là ở vùng nông thôn. Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.

Do đó, khi bị rắn cắn, người dân không nên rạch vết cắn, nặn, hút nọc, đắp lá cây hay buột garot vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết. Cách sơ cứu đúng khi bị rắn cắn là rửa sạch vết rắn cắn, sát trùng vết thương, trấn an nạn nhân, bất động chi bị cắn và đặt thấp hơn so với tim, nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế.

Trong trường hợp bị rắn hổ cắn, nên tiến hành quấn băng thun ngay phía trên vết rắn cắn để hạn chế nọc lan nhanh gây suy hô hấp do yếu liệt cơ.

PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết, hiện nay điều trị rắn cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn rất hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Vì vậy, khi bị rắn cắn, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đan Phương/Báo Tin tức
Mắc sốt xuất huyết, nữ bệnh nhân xuất hiện nhiều ổ áp xe trong phổi
Mắc sốt xuất huyết, nữ bệnh nhân xuất hiện nhiều ổ áp xe trong phổi

Chiều 10/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận, điều trị cho nữ bệnh nhân 53 tuổi ở tại Đan Phượng, Hà Nội với chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ 7, có tình trạng bội nhiễm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN