Hết lòng vì người bệnh
Sau 13 năm tham gia học tập tại nhiều trường đại học y khoa, năm 2000, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Bác sỹ Nhựt cho biết, từ thời điểm mới ra trường, ông đã mang trong mình khát khao được cứu chữa người bệnh nên đã chọn khoa hồi sức cấp cứu, với mong muốn góp một phần công sức để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
“Thời điểm khi tôi lựa chọn Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để công tác, gia đình có ngăn cản vì công việc rất vất vả. Tuy nhiên, tôi quyết tâm, nghề đã chọn mình thì mình chấp nhận tất cả. Trong thời gian công tác, tôi đã cứu sống thành công nhiều bệnh nhân. Đây là động lực để bản thân gắn kết với nghề”, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt chia sẻ.
Theo bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt, hồi sức cấp cứu là chuyên khoa sâu trong lĩnh vực nội khoa. Đặc điểm bệnh nhân tại Khoa rất đa dạng về mặt bệnh, phức tạp và thường đe dọa tử vong… Do đó, người thầy thuốc phải thường xuyên theo dõi liên tục 24/24 giờ, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc toàn diện. Trong quá trình điều trị, người thầy thuốc thường bị áp lực bởi tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, lượng bệnh nhân đông nên không được phép mắc sai lầm. Công việc rất vất vả, đòi hỏi người bác sỹ phải chịu khó, hy sinh, đồng thời phải cần có tâm và đam mê nghề nghiệp.
Thời điểm COVID-19 bùng phát, tình hình dịch bệnh trong nước cũng như tỉnh Đắk Lắk diễn biến khó lường, phức tạp… Khi đó, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc là nòng cốt của công tác chống dịch ở phân tầng 2,3 của tỉnh. Bệnh nhân đông, đa số là ca nặng đã tạo áp lực công việc cao đến đội ngũ nhân viên y tế.
Với vai trò là Trưởng Khoa, bác sỹ Nhựt trực tiếp hướng dẫn phác đồ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế; đào tạo các bác sỹ, điều dưỡng về cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị người bệnh (nguồn nhân sự chủ yếu tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 trong toàn tỉnh); điều hành và trực tiếp điều trị các trường hợp bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nặng, nguy kịch thuộc phân tầng 3 tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cũng như tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bác sỹ Nhựt cùng với tất cả các y, bác sỹ đã nỗ lực không ngừng, cứu sống thành công nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, đưa tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì COVID-19 của tỉnh rất thấp so với tỷ lệ tử vong chung trên toàn quốc.
Trường hợp bệnh nhân 3836 là ca COVID-19 đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Khi đó, bệnh nhân được chỉ định điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh với nguồn nhân lực nòng cốt phục vụ công tác điều trị thuộc Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Trước áp lực rất cao khi ca bệnh có diễn biến nặng và tuyệt đối không được để bệnh nhân tử vong. Bác sỹ Nhựt cùng đội ngũ y tế đã tăng cường nhân lực, trang thiết bị, vật tư hỗ trợ điều trị thành công ca bệnh. “Từng cung bậc cảm xúc khác nhau theo diễn biến ca bệnh, nhất là sau khi thành công cứu sống bệnh nhân đã khiến tôi không thể nào quên. Hiện nay, bệnh nhân đang sinh sống tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk)”, bác sỹ Nhựt chia sẻ.
Với tâm niệm “lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo hiệu quả”, “hết việc chứ không hết thời gian”, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt luôn cố gắng tận tâm, tận lực hết lòng vì người bệnh. Ngoài giờ có mặt tại bệnh viện, ông còn đảm nhiệm trực thường trú để giúp đỡ và hỗ trợ giải quyết các công việc của đồng nghiệp.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc có 70 bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế. Đây là khoa bệnh nặng nhất, nơi giành giật sự sống và được xem là “chiến tuyến” căng thẳng nhất của bác sỹ. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và điều trị là vấn đề trăn trở, được lãnh đạo bệnh viện và các khoa, phòng đặt ra. Với tinh thần đó và với vai trò Trưởng Khoa, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt liên tục cải tiến về cách thức làm việc, phân công nhân lực làm việc theo từng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường và có sự hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.
Cùng với sự đầu tư về con người, nhân lực đào tạo, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã tiếp nhận chuyển giao, triển khai được nhiều kỹ thuật mới ngang tầm với các bệnh viện lớn trên toàn quốc như: kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể); thay thế huyết tương; tiêu sợi huyết ở bệnh nhân nhồi máu não cấp; nhiều kỹ thuật lọc máu trong hồi sức (lọc máu liên tục, lọc kết hợp thẩm tách máu liên tục, siêu lọc máu chậm liên tục…). Qua đó, nhiều bệnh nhân đã tiếp cận các kỹ thuật cao và được cứu sống.
Bác sỹ Nguyễn Thùy Nga cho biết, sau hai năm về công tác tại Khoa, được sự dìu dắt, hướng dẫn tận tình của bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt, chị đã cải thiện nhiều về chuyên môn. Bác sỹ Nhựt luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các bác sỹ trẻ trong Khoa học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Hằng ngày, bác sỹ Nhựt thường xuyên thăm khám cho từng bệnh nhân, hướng dẫn chuyên môn cho các bác sỹ. Qua đó, các bác sỹ trẻ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong điều trị, tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân và cách trao đổi, động viên gia đình bệnh nhân tiếp tục phối hợp điều trị.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Giáp, phụ trách Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thời gian qua, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt với vai trò Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kiêm Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, đã có nhiều cố gắng trong công tác chuyên môn, giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, luôn đồng hành cùng Khoa nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã tiếp nhận chuyển giao, tập huấn, triển khai được nhiều kỹ thuật mới ngang tầm với các bệnh viện lớn trên toàn quốc.
Qua 25 năm gắn bó với ngành y, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt đã đóng góp nhiều thành tích chung cho sự nghiệp phát triển y tế địa phương. Bác sĩ Nhựt vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú… Năm 2023, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt là một trong 5 điển hình tiên tiến của tỉnh Đắk Lắk được tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.