Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển Đà Nẵng cực kỳ phong phú; trong đó, bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là lá phổi xanh, là bức bình phong khổng lồ che chắn gió cho thành phố Đà Nẵng trong mùa mưa bão. Đây cũng là khu bảo tồn thiên nhiên của quốc gia với diện tích rừng hơn 4.000 ha, với nhiều động thực vật phong phú...
Theo tìm hiểu, dọc tuyến ven biển từ Nam Ô cho đến Hòa Hải, nhất là đoạn từ giao lộ Võ Nguyên Giáp - Hồ Xuân Hương cho đến hết đường Trường Sa (giáp địa phận tỉnh Quảng Nam), các khu đất giáp biển đã được một số chủ đầu tư triển khai xây dựng, đi vào hoạt động. Còn một số dự án thì bên ngoài lập hàng rào bằng tôn, hoặc xây tường gạch nhưng bên trong vẫn bị bỏ hoang.
Việc hàng chục km ven biển bị rào kín, bít lối xuống biển khiến cho người dân và du khách cực kỳ bức xúc. Chị Nguyễn Thị Liên, ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cho biết, gia đình chị sống ở đây từ bao đời nay. Nếu như trước đây, chiều chiều khi đi làm về, cả gia đình xuống tắm biển thoải mái thì đến nay không thể thực hiện được vì cả mấy km đường xuống biển đã bị các chủ dự án rào kín, bít hết lối xuống biển. Đây là sự vô lý, vì đất đai, bãi biển là của cộng đồng, các cá nhân, doanh nghiệp có thể tham gia kinh doanh nhưng cũng cần phải phù hợp với nếp sống, tập quán của người dân địa phương.
Dự án gần đây nhất mà người dân cũng như chính quyền địa phương phản đối dữ dội là Khu du lịch sinh thái Nam Ô (do Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư). Theo đó, khi triển khai dự án vào giữa tháng 3/2018, chủ đầu tư đã cho người dựng hàng rào bít kín lối xuống biển của người dân. Đó là đoạn cuối đường Nguyễn Tất Thành kéo dài đến gềnh Nam Ô dài khoảng gần 2 km với 10 con đường dẫn xuống biển bao đời nay của người dân. Quá bức xúc, hàng trăm người dân khu vực này đã phản đối quyết liệt và yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng tháo dỡ, tạo đường cho người dân xuống biển, kiếm kế sinh nhai.
Trước tình hình đó, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trực tiếp đến khu vực này kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư phải mở lối xuống biển cho người dân. Đồng thời, kết hợp với cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn các di tích trong khu vực này.
Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, đến nay, tổng số dự án đầu tư ven biển là 50 dự án du lịch ven biển; trong đó, dự án đầu tư nước ngoài là 13 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.461,8 tỷ đồng, tổng diện tích đất dự án là hơn 3,7 triệu m2. Dự án đầu tư trong nước là 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 64.180,3 tỷ đồng, tổng diện tích đất dự án là hơn 11,92 triệu m2.
Tuy nhiên, hiện nay đã có hàng chục dự án làm thủ tục cấp đất để “xí phần” nhưng qua hàng chục năm vẫn không triển khai theo như cam kết. Thực trạng đất các dự án ven biển bỏ hoang không những gây phản cảm trong quần chúng nhân dân mà gây hậu quả là nhà nước cũng bị thất thu.
Có thể thấy rằng, tình trạng cấp đất ồ ạt cho các dự án ven biển tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ, năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh… đã không được xem xét một cách thấu đáo nên dẫn đến tình trạng chủ đầu tư không triển khai nên đất ven biển bị bỏ hoang, gây lãng phí. Nguồn quỹ đất của thành phố Đà Nẵng vốn đã eo hẹp, nay lại bị bỏ hoang, không gian biển bị chiếm dụng.
Bên cạnh đó, việc thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý trong quá trình triển khai dự án đất đai ven biển đã gây ra những hệ lụy nhãn tiền, các chủ đầu tư sau khi được giao đất đã chuyển đổi công năng, quy mô dự án, thậm chí là chuyển nhượng quyền sử dụng đất để lấy tiền chênh lệch. Thậm chí, có những dự án được giao đất nhưng đến nay thành phố vẫn không “nhận diện” ra chủ nhân đích thực của nó là ai.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hiện nay đã nhận ra những bất cập, cần sớm có phương án giải quyết. Đồng thời đang giao cho các ngành chức năng của thành phố cũng như kêu gọi sự chung tay, góp sức của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm xây dựng quy hoạch tổng thể trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Đồng thời, kiên quyết chỉ đạo các ngành chức năng mở các lối xuống biển cho người dân cũng như cho du khách.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho hay, Sở phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan đang tập trung kiểm tra về tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án, kiên quyết đề xuất UBND thành phố xử lý đối với các dự án có vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó, chú ý đến những dự án đã được giao nhưng chưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng không đúng mục đích.
Đối với các dự án thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư chưa có văn bản đề nghị gia hạn thì thường xuyên đôn đốc thực hiện. Cùng đó, kiên quyết tham mưu việc thu hồi đất đối với các trường hợp chây ì, không phối hợp lập thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan rà soát, tổng hợp tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị Trung ương nhằm sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể như, rà soát, tổng hợp các trường hợp qua thanh tra, kiểm tra xác định sai phạm mà có tính hệ thống nhằm kiến nghị Trung ương có giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quản lý nhà nước, khó khăn của doanh nghiệp để xử lý dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đất đai; kiến nghị điều chỉnh những bất cập, chồng chéo giữa Luật Đất đai và pháp luật có liên quan trong việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng, quản lý đầu tư, quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đặc thù khu vực ven biển làm cơ sở triển khai các dự án ven biển, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng cũng như đảm bảo các quyền lợi của người dân địa phương theo đúng quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.
Việc giao đất một cách ồ ạt mà không thẩm định, xem xét một cách tổng thể, thấu đáo là bài học kinh nghiệm quý báu không những đối với thành phố Đà Nẵng mà còn đối với với tỉnh, thành phố ven biển. Do vậy, cần kiên quyết thu hồi những dự án chưa triển khai, hoặc chuyển đổi mục đích trái với quy định của pháp luật, mới đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư cũng như đối với doanh nghiệp chân chính.