Tuy nhiên, tình trạng “mất kiểm soát” đã xảy ra khi nhiều tỉnh thành phố chạy đua để thu hút đầu tư nhưng lại chưa quan tâm đến quỹ tài nguyên ven biển, nhất là thiếu đi những quy định chung về quy hoạch tổ chức không gian dọc biển.
Một góc huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: TTXVN |
Các chuyên gia nhận định, với xu hướng phát triển như hiện nay, các thành phố và thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển cân bằng khi mà môi trường tự nhiên ven biển, rừng ngập mặn ven biển, những cánh rừng phòng hộ quan trọng bị hủy hoại dưới tác động của các hoạt động kinh tế và đô thị hóa. Ngoài ra, những biến động ở điều kiện tự nhiên và môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt… cũng là những thách thức lớn cho các đô thị ven biển phải đối mặt.
Chính phủ cũng chỉ rõ, đối với khu vực ven biển, quy hoạch xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển. Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng. Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái còn trầm trọng. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai.
Hàng loạt hạn chế tại các đô thị ven biển được chỉ ra như, việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực ven biển và thực hiện theo quy chế chưa nghiêm túc. Thực tế đã có nhiều dự án chậm hoặc không triển khai được do vướng mắc trong thủ tục cấp phép xây dựng, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc quy hoạch đô thị và đời sống của người dân ở địa phương, đặc biệt là các đô thị du lịch ven biển.
Qua kiểm tra việc quản lý nhà nước về xây dựng tại Phú Quốc cho thấy, chỉ tính riêng quý I/2018, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã phát hiện hơn 50 tổ chức và hộ cá thể với khoảng 540 công trình vi phạm xây dựng không có giấy phép, xây dựng trái phép…
Những thách thức này đòi hỏi sự phát triển của đô thị biển phải được quy hoạch và quản lý tốt. Các đô thị ven biển không nên chạy theo hiệu quả mà cần phải bảo đảm được đặc trưng riêng và thúc đẩy bản sắc của từng khu vực, từng đô thị trong chiến lược cạnh tranh quốc gia và quốc tế, tránh cạnh tranh lẫn nhau.
Kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn Thiết kế SDesign nhận xét, rất nhiều dự án du lịch đề xuất mật độ dân cư tương đối cao tại những khu vực ven biển hoặc có nhiều diện tích cây xanh được chuyển đổi thành những toà nhà cao tầng tại nhiều vị trí không hợp lý. Do đó, cần kiểm soát những dự án mới để không che khuất đi hướng nhìn vào thành phố hay các di tích lịch sử để gìn giữ được công trình trọng điểm hay nét đặc trưng riêng.
Hơn lúc nào hết, trước những bất cập, thực trạng và xu hướng phát triển công trình, dự án nghỉ dưỡng hiện nay, các đô thị biển cần lựa chọn hướng đi nào cho mình để hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả, nhân văn, vì cộng đồng.
Còn theo Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn, không phải đô thị biển nào cũng nhất thiết phải trở thành đô thị du lịch cho dù hầu hết các đô thị ven biển ở Việt Nam hiện nay đều hướng tới phát triển ngành công nghiệp không khói này bởi đây là tiềm năng, lợi ích dễ dàng nhìn thấy. Các đô thị biển có thể phát triển chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như: sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị đại học, kinh tế tài chính, ngư nghiệp, cảng biển hay giao thương quốc tế… Nó có thể tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng, kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy cũng như đường bộ ven biển - ông Sơn gợi ý.
Cũng bởi đổ xô đầu tư vào các đô thị biển thành đô thị nghỉ dưỡng nên tại nhiều khu vực ven biển nhà cao tầng phát triển ồ ạt - chính điều này đã đánh mất đi rất nhiều vẻ đẹp lợi thế. Đơn cử như tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), tầm nhìn ra vịnh là di sản thế giới và là vốn quý nhất của đô thị biển này. Nếu cứ cấp phép cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển, đặc biệt nhà cao tầng án ngữ tầm nhìn ra vịnh thì sẽ tạo cảm giác mất tỷ lệ hài hòa về quy mô, khi so sánh với các hòn đảo lớn nhỏ trong vịnh.
Do đó, thay vì chỉ tập trung bám dọc theo tuyến bờ biển thì cần phát trỉển các cụm đô thị tập trung nằm sâu hơn trong đất liền nhưng vẫn kết nối tốt với nhau và với bờ biển.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thanh Hưng nhận xét, cơn lốc phát triển bất động sản cùng những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại đã phát triển ồ ạt tại các đô thị lớn tại Việt Nam trong 20 năm qua để rồi hiện nay đang lan tỏa mạnh mẽ đến dòng bất động sản nghỉ dưỡng du lịch tại các đô thị ven biển.
Tại nhiều đô thị biển Việt Nam hiện đã xảy ra những xu hướng phát triển thiếu bền vững. Điển hình là việc xây dựng “bức tường thành” gồm những nhà cao tầng chạy suốt mặt tiền biển hay như xu hướng tư nhân hóa bãi biển... Việc phát triển nhà cao tầng thiếu cẩn trọng tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị.
Do đó, việc cải tạo và phát triển các đô thị biển tại Việt Nam cần có sự đánh giá lại hiện trạng và xem xét lại các mục tiêu phát triển, phù hợp với những định hướng chiến lược rõ rệt hơn về quy hoạch nhà cao tầng. Cần tránh xu hướng lạm dụng phát triển mặt tiền biển làm tổn hại cơ hội phát triển của khu vực nằm phía sau sâu hơn trong đất liền. Đặc biệt là cần tránh xu hướng phát triển các dự án du lịch nối liền nhau nhiều km, biến bãi biển thành tài sản tư, ngăn chặn cơ hội tự do tiếp cận bãi biển của cư dân ở các khu đất lân cận nằm sâu hơn trong đất liền.
Một góc Khu liên hợp nghỉ dưỡng - giải trí Vinpearl Phú Quốc tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: TTXVN |
Quy hoạch kiến trúc ven biển cần một đồ án quy hoạch chủ động - Tiến sỹ
Nguyễn Tiến Thuận - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đề xuất. Hiện vẫn còn khá
nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm đến quỹ tài nguyên ven biển. Điều
này khiến quá trình phát triển bị manh mún, kém hấp dẫn trong thu hút
đầu tư. Nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện dự án của mình trên một vị trí,
địa điểm nào đó, song họ không thể hình dung được tương lai của khu vực
đó sẽ như thế nào. Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư đã chết yểu chỉ vì
đơn phương và đơn độc - ông Thuận dẫn chứng.
Cần một chiến lược
trúng, đúng cho không gian ven biển - Kiến trúc sư Đỗ Thanh Hà nêu ý
kiến. Một đô thị biển có thể hiểu theo nghĩa rộng thì không gian công
cộng là không gian do nhà nước quản lý bao gồm: đường phố, vỉa hè, không
gian bãi biển, hệ thống các công trình công cộng, tượng đài.
Tuy
nhiên, trên thực tế, hiện các không gian ven biển đang bị chiếm dụng
bởi chủ đầu tư dự án, phục vụ cho các mục đích cá nhân. Do đó, nhiều
không gian ven biển vô giá được chính quyền các đô thị cấp cho tư nhân
xây chung cư cao tới 60 - 70 tầng dày đặc hoặc xây các khu nghỉ dưỡng
chạy dài hết mặt tiền hướng biển.
Bởi vậy, cần sớm ban hành các
quy chế quản lý đầu tư xây dựng thể loại công trình cao tầng ven biển
mới xuất hiện (ví dụ loại hình công trình nhà ở cao tầng kết hợp khách
sạn ven biển condotel mới) để đảm bảo hiệu quả xây dựng và quản lý quy
hoạch, tránh các tác động xấu về kiến trúc cảnh quan và môi trường. Đây
cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia đô thị.
Kiến trúc ven biển là một loại hình công trình có đặc thù, không giống như các công trình ở trong trung tâm đô thị hoặc các thành phố xa biển, kể cả về hình thức kiến trúc cũng như các chức năng không gian sử dụng và giải pháp kỹ thuật. Lựa chọn hướng đi và giải pháp kiến trúc nào cho không gian kiến trúc khu vực mặt tiền ven biển của đô thị cần xuất phát từ chính các điều kiện về tự nhiên xã hội và nhu cầu thực tế đặt ra.
Đô thị biển Việt Nam với các đặc trưng riêng mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị biển Việt Nam cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ. Không vì phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường của đô thị biển. Một hướng đi bền vững, sử dụng tối ưu các nguồn lực trong phát triển kiến trúc đô thị biển là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết ngay lúc này.