Toàn cảnh phiên họp sáng 15/6. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
96,7% đại biểu tán thànhBáo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ngày 23/5/2018 và ngày 1/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em, Luật Xây dựng (gọi tắt là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật).
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật.
Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.
Có ý kiến đề nghị thông qua một dự án luật cho tất cả các Luật liên quan đến quy hoạch. Có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trong Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng với Luật Quy hoạch; làm rõ nội hàm giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh để tránh cùng một tỉnh có hai loại quy hoạch có nội dung giống nhau.
Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cụ thể: Theo quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch, Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 13 luật liên quan và tại Kỳ họp thứ 6 tới đây sẽ tiếp tục rà soát các luật và trình dự án luật sửa đổi, bổ sung đối với các luật còn lại. Việc phân thành hai dự án luật và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này và Kỳ họp thứ 6 là để có đủ thời gian rà soát, bảo đảm yêu cầu chất lượng của dự án luật.
Qua thảo luận Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng cho thấy, còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết có quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; về nội hàm giữa quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh; mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; một số nội dung cần có đánh giá tác động như giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch. Mặt khác, đây là những vấn đề liên quan đến nội dung cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ, thời gian thông qua theo quy trình một kỳ họp không bảo đảm cho việc đánh giá, rà soát để thống nhất.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội để lại hai luật này để tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội xem xét, thông qua cùng với các luật còn lại liên quan đến quy hoạch tại Kỳ họp thứ 6.
Như vậy, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 11 luật, bao gồm: Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em.
Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết. Với trên 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến Luật Quy hoạch. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Thông qua Nghị quyết về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được Quốc hội thông qua sáng 15/6 với 97,33% đại biểu tán thành.
Đánh giá kết quả thực hiện, Nghị quyết tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 16/BC-ĐGS ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Nghị quyết nhấn mạnh, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước được ban hành khá đầy đủ, phạm vi điều chỉnh bao quát hơn so với giai đoạn trước. Doanh nghiệp nhà nước đã chuyển dịch theo hướng tập trung hơn vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không tham gia, tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước xét trên các tiêu chí như lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, bảo toàn và tăng trưởng vốn đạt kết quả tích cực. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhìn chung được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Tiền lương, thu nhập và quyền lợi của người lao động cơ bản ổn định, bảo đảm.
Công tác cổ phần hóa đạt được một số kết quả tích cực. Sau cổ phần hóa, nhìn chung hoạt động của doanh nghiệp minh bạch hơn; hầu hết các doanh nghiệp có quy mô, cơ cấu nguồn vốn hợp lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Nghị quyết cũng chỉ rõ: Vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, bất cập và vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; chưa hoàn toàn tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, còn tình trạng chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan.
Chính phủ ban hành văn bản phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tổng kết, đánh giá mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và mối quan hệ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chính phủ ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp (chậm nhất vào tháng 5 năm 2019).
Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn vừa qua; xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; khẩn trương bàn giao phần vốn hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp....
Chính phủ quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước.
Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục đổi mới cơ chế để doanh nghiệp thực sự chủ động trong trả tiền lương, tiền thưởng dựa vào năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động; thu hút lao động có trình độ cao vào làm việc.
Chính phủ tiếp tục rà soát, tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội; xác định tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất; tách bạch giữa hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, an sinh xã hội với hoạt động sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận của doanh nghiệp...
Nghị quyết giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2019).
Về tổ chức, kiểm tra và giám sát thực hiện, Nghị quyết nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương, doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019 và Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.