“Vá” lỗ hổng xuất bản

Hàng loạt sai sót nghiêm trọng xuất hiện trên các ấn phẩm sách phát hành trong nước thời gian gần đây như vi phạm về bản quyền, nhập lậu xuất bản phẩm có nội dung vi phạm pháp luật, chủ quyền lãnh thổ và xuyên tạc lịch sử… đã cho thấy lỗ hổng trong quản lý xuất bản hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ bắt nguồn từ yếu kém của nhiều nhà xuất bản (NXB), mà khâu quản lý của các cơ quan chức năng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Những yếu kém kể trên thêm một lần được Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đề cập trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” được phát sóng trên VTV1, Truyền hình Thông tấn và một số cơ quan thông tin đại chúng tối 12/5.


Theo Cục Xuất bản, nguyên nhân xuất hiện sách tham khảo và sách nhập sử dụng hình ảnh minh họa sai trong thời gian qua là do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên kết xuất bản bị xem nhẹ. Nhiệm vụ của NXB được xem như "chốt chặn" để kiểm soát nội dung sách xuất bản, nhưng trên thực tế công tác này lại bị buông lỏng. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, sức ép cạnh tranh đã khiến không ít NXB lao vào cuộc chạy đua nhằm đưa ấn phẩm đến tay người đọc một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, các NXB và đơn vị liên kết thường đốt cháy quy trình, công đoạn nhằm đối phó với tình trạng sách thật chưa phát hành, sách giả đã bán tràn lan ngoài thị trường.


Theo quy định hiện hành, sau 10 ngày kể từ ngày xuất bản, sách xuất bản phải nộp lưu chiểu và nếu không vi phạm quy định của Luật Xuất bản, sách đó mới được phép phát hành. Thế nhưng, nhiều NXB lại hết sức coi nhẹ, thậm chí phớt lờ quy định trên. Phần lớn các NXB nộp lưu chiểu chậm so với quy định, thậm chí còn dồn nhiều đầu sách lại rồi nộp luôn một thể… Theo thống kê, mỗi năm, 12 cán bộ thuộc Phòng Quản lý Xuất bản (Cục Xuất bản) tiếp nhận trên 20.000 đầu sách lưu chiểu…, tức là mỗi cán bộ làm công tác xuất bản phải xử lý trên 1.600 đầu sách/năm. Điều này lý giải tại sao khi phát hiện sách có sai phạm, những người có trách nhiệm đều thừa nhận "chỉ xem qua". Như nhận xét của Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm: "Chẳng ai có trăm tay ngàn mắt để mỗi năm đọc được khoảng 1.500 cuốn sách…".

Như vậy, những vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực xuất bản không chỉ nằm ở công tác biên tập hay hậu kiểm, mà còn ở khâu nhân lực. Xuất bản được coi là một hoạt động không thuần túy hướng tới lợi nhuận (phục vụ các mục tiêu chính trị, giáo dục, truyền thống...), nhưng trên thực tế, hằng tháng, lãnh đạo các NXB vẫn phải lo kiếm tiền để giải quyết thu nhập cho nhân viên. Chính vì thế, việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cũng như bản lĩnh chính trị cho họ không được các NXB coi trọng. Vì ít được rèn giũa nên những người làm công tác xuất bản đã không đủ bản lĩnh, kiến thức, năng lực, sự tinh tế trong việc giải quyết các công việc chuyên môn, nhất là khi xử lý các vấn đề mang tính nhạy cảm.


Theo những người trong cuộc, muốn giải quyết những bất cập của ngành xuất bản, cần sớm bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản theo hướng mạnh tay hơn, như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động của NXB, đơn vị liên kết vi phạm Luật Xuất bản. Ngoài ra, cần phải làm rõ trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập các NXB, đối tác liên kết cũng như biên tập viên tham gia kiểm tra nội dung ấn phẩm. Về lâu dài, ở góc độ vĩ mô, một số chuyên gia cho rằng, lĩnh vực xuất bản cần được nhìn nhận một cách đồng bộ từ chức năng, nhiệm vụ đến cơ chế, chính sách. Có như vậy mới hy vọng “vá” được lỗ hổng về xuất bản và đó cũng là cơ hội để ngành xuất bản bứt ra khỏi sự trì trệ để phát triển.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN