“Tôi tự hào được là Đại sứ tại Việt Nam”

Nụ cười luôn nở trên môi, tác phong thân thiện, phong thái điềm đạm, tự tin, đó là những gì người ta có thể nhận thấy ở bà Sue Boyd ngay từ lần đầu tiếp xúc. Là Đại sứ Australia tại Việt Nam giai đoạn 1994 - 1997, bà Boyd đã rất tích cực thúc đẩy mối quan hệ song phương, trong đó có việc Australia hỗ trợ Việt Nam trong dự án xây cầu Mỹ Thuận - một công trình được coi là biểu tượng của tình hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Australia nhân dịp hai nước kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao (1973 - 2013), bà Boyd không giấu nổi niềm tự hào khi được góp công vào sự phát triển trong mối quan hệ hai nước.

 

Mối quan hệ Việt Nam - Australia đang phát triển mạnh mẽ một phần do những yếu tố nền tảng ban đầu tạo dựng nên. Vậy mối quan hệ này chính thức bắt đầu như thế nào, thưa bà?


Australia ủng hộ đồng minh là Mỹ khi tham chiến tại Việt Nam và có quan hệ với Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1972, Chính quyền Công đảng Gough Whitlam lên nắm quyền sau 23 năm đất nước nằm dưới sự lãnh đạo của phe đối lập, và trong một động thái gây sốc, ông đã quyết định lập tức rút toàn bộ quân đội Australia ra khỏi miền Nam Việt Nam, dù quân đội Mỹ vẫn ở lại đó tới tháng 3/1973. Sự thừa nhận của Australia đối với Chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 25/2 năm đó là vô cùng ý nghĩa. Tháng 4/1973, Đại sứ quán Australia tại Sài Gòn đóng cửa.

 

Cựu Đại sứ Sue Boyd phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Australia.


Australia đã đi tiên phong trong số các nước phương Tây thừa nhận nhà nước mới của Việt Nam và là nước tham chiến đầu tiên đi ngược lại mong muốn của Mỹ. Trên thực tế, Mỹ không thừa nhận nhà nước Việt Nam cho tới năm 1995, do Quốc hội nước này vẫn yêu cầu có giải pháp toàn diện về vấn đề Mất tích trong khi làm nhiệm vụ (MIA). Tiếp sau sự thừa nhận này, Australia nhanh chóng thiết lập một chương trình viện trợ và việc kết nối thương mại bắt đầu được tiến hành. Các doanh nghiệp Australia bắt đầu tới Việt Nam và thiết lập hoạt động kinh doanh.


Nhiệm kỳ làm đại sứ Australia tại Việt Nam ắt hẳn để lại trong bà nhiều kỷ niệm. Xin bà chia sẻ đôi chút?


Tôi nghe những người tiền nhiệm trong Đại sứ quán mới ở Hà Nội lúc bấy giờ kể lại rằng cuộc sống khi đó rất khó khăn. Đại sứ quán mới là ba phòng trong Khách sạn Thống nhất cũ, nay là Khách sạn Metropole. Các nhân viên đều ngủ với tài liệu đặt dưới gối, đi lại bằng xe đạp và khi đi qua cái sân nhỏ trong khách sạn thì cố gắng nhón chân cao để tránh chuột. Lúc đó Việt Nam là một nước cực nghèo do hậu quả của chiến tranh để lại. Nguồn cung lương thực rất thiếu. Phần lớn lương thực cung cấp cho nhân viên Đại sứ quán đều được nhập từ Bangkok, được chuyển định kỳ tới Đại sứ quán. Đúng lúc đó một trụ sở tốt hơn được “nhắm” trên đường Lý Thường Kiệt. Đó là một villa kiểu Pháp cổ được Australia sửa chữa lại, nơi làm việc ở tầng dưới, nơi ở là tầng trên (tòa nhà này hiện là nơi ở của Đại sứ). Một khu căn hộ nhỏ được xây ở vườn sau để làm nơi ở cho các nhân viên.


Lúc tôi tới Việt Nam nhận nhiệm vụ là năm 1994, tức 21 năm sau. Mọi thứ đã tốt hơn nhiều. Ngày thứ hai ở đó, tôi đi dạo loanh quanh và rất phấn khởi khi mua được một chiếc bàn chải đánh răng như ý. Kinh tế Việt Nam ngày một tăng trưởng và hàng tiêu dùng ngày càng đa dạng, vì vậy trong vài năm sau đó chúng tôi đã có thể ngừng mua thực phẩm qua Bangkok. Cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi thuận lợi hơn nhiều vì có thể mua những vật dụng cần thiết ngay tại Việt Nam.

 

Khi đó mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia có những bước phát triển nào thưa bà?


Thực ra Australia có lợi khi Mỹ vẫn vắng bóng trên thị trường Việt Nam lúc đó. Khi đó Mỹ vẫn tẩy chay Việt Nam, còn Việt Nam thì đã sẵn sàng mở cửa với thế giới qua chính sách Đổi mới. Việt Nam tìm kiếm các đối tác phương Tây để hỗ trợ chính sách đó, và các công ty của Australia đã có mặt. Đầu tiên là OTC, cơ quan quốc tế của công ty viễn thông Australia Telecom. Một nền kinh tế hiện đại cần có hệ thống viễn thông quốc tế tốt, và OTC trở thành đối tác quốc tế chiến lược của Việt Nam.

 

Tác giả cùng cựu Đại sứ Sue Boyd (trái).


Các công ty khác của Australia cũng chứng tỏ mình là đối tác tin cậy của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. ANZ là ngân hàng sở hữu chứng nhận ngân hàng nước ngoài đầu tiên, Colonia trở thành đối tác bảo hiểm, BHP Petroleum giành quyền bắt tay với PetroVietnam tại mỏ dầu Đại Hùng ở Biển Đông. Trong khi đó, Đại học Swinburne ở bang Victoria là trường đại học Australia đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam và tôi vẫn nhớ rõ lễ tốt nghiệp đầu tiên tại Hà Nội. RMIT là trường đại học phương Tây đầu tiên thiết lập cơ sở tại Việt Nam, ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các trường đại học khác bắt đầu nhập cuộc, với loại hình hợp tác rất phong phú. Ví dụ, Đại học Tasmania thiết lập quan hệ đối tác với Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, các khóa học một phần diễn ra ở Hobart, một phần ở Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực xây dựng, văn hóa, nghệ thuật... cũng phát triển mạnh mẽ.


Trong thời kỳ tôi làm Đại sứ, mối quan hệ hai nước liên tục được mở rộng. Sau thời gian dài đàm phán, hai bên đã đạt thỏa thuận thiết lập bộ phận Cảnh sát Liên bang Australia trong Đại sứ quán để hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và đảm bảo thực thi luật pháp, đặc biệt trong vấn đề liên quan tới ma túy.


Các bước đầu tiên đã được thực hiện nhằm thiết lập quan hệ quốc phòng, như trao đổi học viên quốc phòng, tham tán quân sự, trao đổi về vấn đề nhân quyền... Khi cựu Thủ tướng Paul Keating thăm Việt Nam năm 1994, ông đã thiết lập được mối quan hệ cá nhân tuyệt vời với đối tác Việt Nam cũng như cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng thời nhất trí Australia sẽ hỗ trợ dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận của Việt Nam. Đây là dự án viện trợ nổi bật nhất, lớn nhất của Australia lúc bấy giờ. Khi chính quyền Howard lên nắm quyền năm 1996, tương lai dự án dường như mờ mịt, nhưng cuối cùng thì nó vẫn được tiến hành và hoàn tất vào năm 2000.


Tôi vinh dự được hộ tống Tổng Bí thư Đỗ Mười sang thăm Australia năm 1995. Điều làm Tổng Bí thư Đỗ Mười sửng sốt là trong chuyến thăm mỏ than ở khu Hunter Valley, ông đã được chứng kiến mỏ hoạt động hết công suất mà chỉ cần hai nhân viên vận hành. Trong khi đó tại Việt Nam, công suất tại các mỏ thấp hơn nhiều, nhưng công nhân thì rất đông.

 

Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt Nam - Australia hiện nay? Hai nước cần làm gì để phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương?


Tôi rất vui mừng trước những phát triển vượt bậc trong mối quan hệ Việt Nam - Australia trong 40 năm qua. Tôi rất ấn tượng với những thay đổi nhanh chóng và tích cực tại Việt Nam cũng như trong quan hệ giữa hai nước, về mọi mặt. Cộng đồng người Việt ở Australia ban đầu còn gượng gạo trong hỗ trợ phát triển quan hệ Việt Nam - Australia, nhưng trong những năm gần đây, ngoại giao nhân dân đã phát triển vượt bậc. Hàng nghìn Việt kiều đã về thăm thân hàng năm, nhiều người còn xúc tiến việc kinh doanh ở Việt Nam.


Để mối quan hệ song phương phát triển hơn nữa, Việt Nam và Australia cần xóa bỏ các rào cản để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và đi lại thuận tiện, khuyến khích mối quan hệ giữa người dân hai nước. Từ đó, quan hệ kinh tế sẽ gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa.


Tôi tự hào khi được là Đại sứ của Australia tại Việt Nam vào thời điểm bận rộn và thú vị cho cả Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa hai nước. Tôi tin mối quan hệ Việt Nam - Australia sẽ ngày càng bền chặt.


Xin cảm ơn bà về những chia sẻ trên!

 

Đỗ Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN