Nobel Vật lý 2013 vinh danh “hạt của Chúa”

Giải Nobel Vật lý 2013 đã thuộc về nhà khoa học Bỉ 80 tuổi Francois Englert và nhà khoa học Anh 84 tuổi Peter Higgs. Hai nhà khoa học này được vinh danh ngày 8/10 nhờ đã phát hiện ra hạt Higgs boson hay còn được gọi là “hạt của Chúa” vào năm 2012.

Nhà khoa học Higgs (phải) và nhà khoa học Englert nói chuyện trong cuộc họp báo tại CERN năm 2012. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo Hội đồng giải Nobel Vật lý, “hạt của Chúa” bắt nguồn từ một trường vô hình lấp đầy mọi khoảng không gian vũ trụ. Thậm chí ngay cả khi vũ trụ dường như trống không thì trường này vẫn tồn tại ở đó. Nếu không có nó, chúng ta sẽ không tồn tại, vì nhờ tiếp xúc với trường này mà các hạt có được “khối lượng”. Các hạt cơ bản đi qua trường vô hình này (trường boson), trong đó một số hạt tương tác với hạt Higgs ở các mức độ khác nhau và tạo ra khối lượng, còn một số hạt lại không tạo ra.


Năm 1964, hai nhà khoa học đã đặt ra giả thuyết của riêng mình một cách độc lập. Mãi đến năm 2012, giả thuyết của họ mới được xác nhận khi phát hiện ra hạt Higgs tại phòng thí nghiệm của Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Thụy Sĩ.


Giả thuyết giúp hai nhà khoa học giành giải Nobel Vật lý năm nay là phần trọng tâm trong mô hình chuẩn của vật lý hạt nhân. Theo mô hình này, mọi thứ từ bông hoa, con người cho đến các vì sao hay hành tinh, đều chỉ gồm 12 hạt “dựng sẵn” là các hạt vật chất, trong đó có 6 hạt lepton và 6 hạt vi lượng. Mô hình này không thể hoạt động nếu thiếu hạt Higgs - hạt tạo ra khối lượng cho vật chất.


Do đó, phát hiện ra hạt Higgs có tầm quan trọng rất lớn. Theo một nhà vật lý hạt nhân, phát hiện này là một thành công sánh ngang với phát hiện rằng Trái Đất hình tròn và có tầm quan trọng như việc lần đầu con người đặt chân lên Mặt Trăng.


Phát biểu sau khi nghe tin mình giành giải Nobel, nhà khoa học Higgs cho biết ông cảm thấy “choáng ngợp” trong khi nhà khoa học Englert cảm thấy rất “hạnh phúc”.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN