Khắc phục mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính từ 3/9 đến nay, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ đã làm 35 người chết, mất tích và bị thương tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng.

 

Lực lượng cứu hộ tìm người dân xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai) tìm kiếm tài sản bị vùi lấp. Ảnh: Lục Văn Toán - TTXVN

 

*Tại Lào Cai, do mưa lớn kéo dài từ 17 giờ đến 20 giờ 30 ngày 4/9, thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa đã xảy ra lũ quét đã làm 4 người chết, 10 người mất tích, 11 người bị thương và cuốn trôi 3 ô tô.

Tin từ huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho biết, trưa 5/9, tại khu khai thác vàng trái phép Rừng Vầu, Rừng Xanh thuộc xã Minh Lương đã xảy ra sạt lở núi, chôn vùi hàng chục người đang dựng lán khai thác vàng trái phép tại đây.


Theo ông Hoàng Minh Loan, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn, đến 16 giờ ngày 5/9 đã có 7 người bị thương được đưa tới điều trị tại bệnh viện huyện, 5 người điều trị tại trạm xá xã Minh Lương, chủ yếu là nam giới tuổi từ 16 đến 40. Trong đó có những người quê gốc Thái Nguyên, Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Theo người dân địa phương, thời điểm trước khi sạt lở núi có rất đông người đang tụ tập khoét núi đào vàng tại đây.


Cũng tại huyện Văn Bàn, do mưa lớn kéo dài, vào lúc 10 giờ trưa nay tại xã Thẩm Dương đã xảy ra sự cố trượt lở đất khối lượng lớn làm đổ 1/2 trụ sở làm việc của UBND xã và đổ một nhà dân bên cạnh.


Tuy không có thiệt hại về người, nhưng trụ sở UBND xã không thể sử dụng được do bị vùi lấp một nửa, phần còn lại bị lún nghiêng xê dịch khỏi vị trí ban đầu khoảng 1m. Được biết, trụ sở UBND xã Thẩm Dương là ngôi nhà 2 tầng, diện tích sử dụng trên 400 m2 được thiết kế xây dựng theo mẫu mới, đủ các phòng chức năng mới đưa vào sử dụng gần 4 năm.


Trước đó, từ ngày 3/9 đến ngày 4/9, trên một số tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ của Lào Cai đã xảy ra sạt lở lớn gây ách tắc giao thông. Tại quốc lộ 4D (huyện Mường Khương) sạt ta luy âm tại 2 vị trí, dài 50m, diện tích 45 m2; quốc lộ 279 (xã Bảo Hà - Bảo Yên) bị lún sụt nền mặt đường tại vị trí K81+200, dài 100m, chiều sâu lún đứt đường 1m, hiện phát triển thêm, lún sâu hơn và sạt ta luy dương gây tắc đường; tỉnh lộ 157 bị sạt lở ta luy dương và tắc rãnh dọc tại 18 vị trí, khối lượng sạt lở 1.00 m3.

 

*Đêm 3/9 đến ngày 4/9, tại tỉnh Hà Giang có mưa, có nơi mưa to đến rất to và dông đã làm sập 2 nhà liền kề nhau tại thôn Bản Trưởng, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh. Hậu quả đã làm 1 người chết và 2 người bị thương. Huyện Bắc Mê cũng bị thiệt hại 2,5 ha lúa mùa, 0,5 ha hoa màu bị cuốn trôi hoàn toàn; 7 đoạn đường giao thông liên xã bị sạt lở 1.200 m3 đất đá gây ách tắc giao thông; 6 con trâu bị sét đánh chết.

 

*Sáng 4/9 tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có mưa rất to, nước lũ dồn về xã Bản Lang gây lũ quét đã làm 3 người chết gồm 1 giáo viên ở bản Xín Chải, xã Pa Vây Sử chết do sạt lở đất, 2 người dân xã Bản Lang bị lũ cuốn trôi và 1 người bị thương; 2 nhà bị sập, 1 nhà hư hỏng, 1 lán trại bị cuốn trôi; 8 công trình thủy lợi nhỏ bị vùi lấp đầu mối, gãy, nứt kênh; 100 ha lúa tại huyện Mường Tè bị ngập; 7ha ruộng lúa bị dập nát, vùi lấp; lũ cuốn trôi 138 con gia cầm; 19,5 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, cuốn trôi; sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường giao thông các xã thuộc huyện Phong Thổ và Mường Tè.

 

*Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc, từ ngày 4 đến sáng 5/9 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa to gây ngập lụt, hư hỏng nhà dân và gây sạt lở đất trên nhiều tuyến đường.


Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La, trên địa bàn huyện có đã có 2 ngôi nhà bị sập; 10 ngôi nhà bị sạt lở nền. Lũ đã cuốn trôi, vùi lấp gần 9 ha lúa; hơn 88 ha ngô; ao hồ nuôi trồng thủy sản 2,1 ha.


Trên tuyến quốc lộ 37 đi qua địa bàn huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La), do mưa lớn kéo dài đã xuất hiện hàng chục điểm ta-luy dương bị sạt lở với khối lượng đất đá lên đến hàng nghìn mét khối, gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường này. Nhiều loại phương tiện lưu thông qua đây phải dừng lại chờ các đơn vị chức năng giải tỏa đất đá. Nguy hiểm hơn, có những điểm sạt lở nằm ngay sát nhà dân, vì vậy một số hộ dân gần đã phải dỡ nhà, chuyển đến nơi an toàn hơn. Sau khi xảy ra sự cố, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến đường huy động công nhân chặt tỉa, phát quang thân, cành cây tạo điều kiện cho các phương tiện qua lại. Đến chiều 5/9, tuyến đường này đã có thể tạm thời lưu thông trở lại.

 

*Đêm 4 và ngày 5/9, tại 9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Thái Nguyên có mưa lớn kéo dài gây ra 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại hai huyện Đại Từ và Phú Lương làm 3 người chết. Vụ sạt lở đất thứ nhất xảy ra khoảng 8 giờ ngày 5/9 tại khu vực xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương làm ông Nguyễn Văn Chương (50 tuổi) tử vong.


Vụ sạt lở đất thứ hai xảy ra vào khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày tại khu vực xóm Khuôn Thông, xã Phú Cường, huyện Đại Từ làm sập xưởng cơ khí của anh Trịnh Xuân Định. Hai người đang làm việc ở xưởng đã bị vùi lấp là anh Đinh Văn Quý (sinh năm 1985) và anh Đoàn Thanh Long (sinh năm 1982) đều là người dân địa phương. Chính quyền xã Phú Cường và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của huyện Đại Từ đã huy động lực lượng đến hiện trường tìm kiếm, cứu hộ. Đến 11 giờ cùng ngày, thi thể của hai nạn nhân đã được tìm thấy.


*Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc nên trong 2 ngày qua tại Lạng Sơn đã có mưa vừa, mưa to, gây thiệt hại về người và tài sản.


Hai người bị chết do bị lũ cuốn trôi khi đi qua suối vào ngày 4/9 là ông Luân Văn Sài, sinh năm 1960, trú tại thôn Bản Nhang, xã Phú Mỹ, huyện Văn Quan và ông Hoàng Văn Kiên, sinh năm 1971, trú tại thôn Nà Tồng, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 1 nhà 3 tầng gần sập hoàn toàn; 5 nhà tạm sập đổ; 168 ha lúa và 62 ha hoa màu ngập úng; khoảng 2.700m³ đất, đá bị sạt lở của tuyến đường quốc lộ, ước tổng thiệt hại khoảng 2,2 tỷ đồng.


Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn đã đôn đốc UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình mưa, lũ; đồng thời tổng hợp, thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, tổ chức khắc phục hậu quả sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng thiệt hại.


Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Lãng và huyện Văn Quan đang chỉ đạo, đôn đốc cùng với các ban, ngành liên quan đến giúp đỡ, thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ.


Tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 3/9, xảy ra sạt lở đất làm sập 1 nhà cấp III, 1 nhà xưởng và 4 gian nhà trọ bị sập đổ hoàn toàn. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, khắc phục đời sống và ổn định sản xuất.

 

Để chủ động đối phó với mưa lũ, ngày 5/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; chỉ đạo rà soát các khu dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp để chủ động phòng tránh, ứng phó. Vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, vùng hạ du các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố phải khẩn trương sơ tán dân.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra các hồ đập, công trình đang thi công; đối với hồ chứa đang xảy ra sự cố phải tổ chức trực ban 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện dự phòng sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu. Đồng thời, tổ chức kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, ngầm qua suối, hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Các tỉnh xảy ra lũ quét vừa qua cần tiếp tục chủ động mọi lực lượng cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ mai táng người chết, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi. Bộ

Công Thương chỉ đạo kiểm tra, có phương án bảo đảm vận hành an toàn các hồ thủy điện, hệ thống truyền tải điện, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là các khu vực có khả năng bị chia cắt.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc đảm bảo giao thông thông suốt, chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố tại các khu vực bị sạt lở trên các trục giao thông chính; hỗ trợ các địa phương để khôi phục hệ thống giao thông nông thôn.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN