Đụng độ đẫm máu ở Nam Sudan

Ước tính khoảng 400 đến 500 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ dữ dội ở thủ đô Juba của Nam Sudan. Đụng độ xảy ra giữa các binh sĩ theo phe Tổng thống Salva Kiir và binh sĩ ủng hộ cựu Phó tổng thống Riek Machar xảy ra từ hôm 15/12 và khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại.


Xung đột sắc tộc


Ngoài số người thiệt mạng nói trên, khoảng 800 người khác đã bị thương và từ 15.000 đến 20.000 người phải tị nạn trong các khu vực của Liên hợp quốc quanh Juba.

Người dân Nam Sudan trú ẩn trong một cơ sở của Liên hợp quốc.


Theo đánh giá của ông Herve Ladsous, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tình hình ở Juba vẫn “cực kỳ căng thẳng” và xung đột được cho là bắt nguồn từ vấn đề sắc tộc. Tổng thống Salva Kiir, người cáo buộc cựu Phó tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính, là người dân tộc Dinka. Trong khi đó, ông Riek Machar là người Nuer. Cả hai ông đều thuộc đảng cầm quyền Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM) và có bất đồng sâu sắc. Tổng thống Salva Kiir đã sa thải ông Riek Machar hồi tháng 7.


Chính phủ Nam Sudan đã bắt giữ 10 nhân vật chủ chốt, tuy nhiên ông Riek Machar đã bỏ trốn. Phát biểu từ một địa điểm bí mật, ông Machar ngày 18/12 đã bác bỏ cáo buộc rằng ông đang tìm cách “đạo diễn” một vụ đảo chính. Tuyên bố đăng trên trang web tin tức Sudan Tribune nói: “Những gì diễn ra ở Juba là sự hiểu lầm... không phải âm mưu đảo chính. Tôi không liên quan hay biết gì về bất kỳ âm mưu đảo chính nào”. Ông Machar cũng cáo buộc Tổng thống Salva Kiir lấy cớ để thanh trừng các đối thủ chính trị.


Trước đó, cuộc đọ súng ác liệt đã xảy ra trong sở chỉ huy quân đội ở Juba giữa hai nhóm cùng thuộc lực lượng bảo vệ tổng thống. Vụ việc đã khiến 26 người chết và 140 người bị thương. Đến ngày 18/12, đụng độ đã lan từ Juba ra thành phố Pibor ở bang Jonglei - nơi thường xuyên xảy ra xung đột giữa các nhóm sắc tộc thù địch.


Sau vụ việc, chính phủ Nam Sudan đã gọi đây là một âm mưu đảo chính của ông Riek Machar. Chính quyền nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.


Cộng đồng quốc tế lên tiếng


Trước tình hình nghiêm trọng ở Nam Sudan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gọi điện thúc giục Tổng thống Salva Kiir đề xuất đối thoại với phe đối lập. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng đã triệu tập một cuộc họp để kêu gọi các bên ở Nam Sudan ngay lập tức chấm dứt thù địch và kiềm chế, tránh làm bạo lực tràn lan.


Liên minh châu Phi (AU) ngày 17/12 đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về diễn biến tại Nam Sudan, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm căng thẳng leo thang. AU cũng kêu gọi Nam Sudan tìm cách giải quyết bất đồng qua các biện pháp hòa bình.


Trong khi đó, Mỹ đã ra lệnh cho toàn bộ nhân viên sứ quán không có nhiệm vụ khẩn cấp rời Nam Sudan. Phái bộ Mỹ ở Juba sẽ tạm dừng các hoạt động bình thường trong thời gian hiện nay. Washington cũng cảnh báo công dân Mỹ không đến Nam Sudan và các công dân đang ở quốc gia này nên rời đi ngay lập tức.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN