Phát triển nguồn nhân lực trong xu thế chuyển đổi mới
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu, công tác tổng kết 10 năm thực hiện cần bám sát nội dung đề ra trong Nghị quyết số 29/NQ-TW, Kết luận số 51/KL-TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW, từ công tác thể chế hóa đến tổ chức triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng lưu ý, công tác tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai, cần tập trung làm rõ nguyên nhân, bất cập, tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết dẫn đến tình trạng “văn bản có đầy đủ nhưng làm không được”, “chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông”.
Cùng với đó, hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại trong bối cảnh nền giáo dục quốc tế đang thay đổi rất mạnh mẽ, nhằm xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới về thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới. “Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của Nghị quyết số 29/NQ-TW để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, phát triển nguồn nhân lực trong xu thế chuyển đổi mô hình phát triển trên thế giới từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Đề xuất thí điểm hình thức hợp tác giáo dục quốc tế mới
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết số 29/NQ-TW đã đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, thể hiện quan điểm chỉ đạo, thể hiện quyết tâm chiến lược, quyết tâm chính trị rất lớn của Trung ương Đảng đối với phát triển giáo dục - đào tạo. Có thể nói, những đổi mới, phát triển giáo dục - đào tạo đều liên quan đến các định hướng của Nghị quyết số 29/NQ-TW. Nhìn lại 10 năm trong quá trình triển khai để đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai có hiệu quả hơn nữa công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo giai đoạn tới.
Thực hiện phân công của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm, thành lập Ban Chỉ đạo với sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành liên quan; làm việc với các địa phương, tổ chức hội nghị chuyên đề, cuộc làm việc. Đến nay, về cơ bản tiến độ công việc đã được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, dự thảo Đề án trình tổng kết Nghị quyết số 29/NQ-TW đã nhận định rõ những thành tựu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo trong 10 năm qua với những đóng góp to lớn vào việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
Nổi bật là, thể chế, chính sách về giáo dục - đào tạo cơ bản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công cuộc đổi mới. Công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Giáo dục Mầm non đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành năm 2018 bảo đảm yêu cầu thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh, tăng cường định hướng nghề nghiệp; thực hiện xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn được thế giới ghi nhận…
Kết quả đào tạo nguồn nhân lực các trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam được nâng lên. Nội dung chương trình đổi mới theo hướng ngày càng hiện đại, thiết thực, tăng thực hành, thực nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều người học; giáo dục đại học có dịch chuyển tích cực về cơ cấu ngành nghề, chất lượng sinh viên tốt nghiệp từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Tự chủ đại học được đẩy mạnh; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế có chuyển biến tích cực...
Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên tiếp tục được quan tâm hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, chất lượng ngày càng nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai liên quan đến việc chưa đồng bộ, thiếu thống nhất hoặc chậm ban hành các chính sách pháp luật về giáo dục - đào tạo; một số quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức; các chính sách ưu đãi đặc thù về thuế, vốn và đầu tư; quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; chất lượng giáo dục đại học...
Tại cuộc họp, đại diện một số địa phương, chuyên gia thống nhất, công tác đổi mới giáo dục, đào tạo đang đi đúng hướng nhưng nguồn lực dành cho lĩnh vực này cần được quan tâm sâu sát hơn để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện.
Các đại biểu kiến nghị, báo cáo tổng kết cần có giải pháp để thực hiện mục tiêu về tỷ lệ phổ cập giáo dục Mầm non, tỷ lệ tốt nghiệp bậc Trung học Phổ thông và tương đương được nêu trong Nghị quyết số 29/NQ-TW; thí điểm hình thức hợp tác giáo dục quốc tế mới tại những đô thị, thành phố lớn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; xem xét quan điểm về mô hình, cơ chế quản lý, quản trị trong các trường đại học bảo đảm tự chủ toàn diện, thực chất cùng với quản lý chất lượng và chuyển đổi số…