Nghị quyết số 29-NQ/TW "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.
Để đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội, một trong các giải pháp quan trọng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là xây dựng tài nguyên giáo dục mở nhằm cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên, thiết lập hệ sinh thái tài nguyên giáo dục mở quốc gia, thúc đẩy học tập suốt đời.
Xóa bỏ rào cản tiếp cận tri thức
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đang hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội, từng bước mở rộng nền sản xuất dựa trên tri thức và nắm cơ hội tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển này thông qua cuộc vận động xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, chúng ta đang thiếu cả hai nguồn lực quan trọng hàng đầu: Tri thức và nhân lực chất lượng cao.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, cuộc vận động người lớn học tập suốt đời hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, tức là nhân lực đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thuộc nền kinh tế quốc dân có tầm chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo nàn về tri thức, những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên giáo dục mở được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng người dùng, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các hố ngăn cách tri thức với người có nhu cầu về tri thức.
Ông Nguyễn Tiến Công, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tài nguyên giáo dục mở là vấn đề đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam quan tâm những năm gần đây. Tài nguyên giáo dục mở cho phép mọi đối tượng được tiếp cận với tri thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau. Tài nguyên mở không chỉ giúp mọi người tiết kiệm đáng kể các khoản đầu tư cho giáo dục mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Thực trạng nước ta hiện nay, cũng như ở các nước nghèo và các nước đang phát triển khác, có rất nhiều người không có khả năng trả chi phí cho việc mua sách vở, đến trường lớp thì các đối tượng này hoàn toàn có thể tự học, tích lũy kiến thức thông qua tài nguyên giáo dục mở.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Đinh Tuấn Long, Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng: Sự ra đời của tài nguyên giáo dục mở mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển giáo dục nói chung và giáo dục suốt đời nói riêng. Tại Việt Nam, các trường đại học có quy mô đào tạo lớn nhất như các đại học quốc gia cũng chỉ có khoảng trên dưới 100.000 sinh viên theo học. Trong khi đó, theo ước tính, Việt Nam sẽ có khoảng 100 triệu dân vào năm 2025 với cơ cấu dân số chiếm tỷ lệ lớn nằm trong độ tuổi lao động. Với quy mô dân số như vậy, nhu cầu học tập của xã hội sẽ bùng nổ và thực sự đa dạng trong thời gian tới đây.
Các trường đại học giữ vai trò tiên phong
Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên giáo dục mở, nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, các trường đại học có vai trò, tiềm năng to lớn trong việc xây dựng, phát triển nguồn học liệu mở, góp phần thúc đẩy xã hội học tập.
Tiến sỹ Huỳnh Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Học liệu và Truyền thông, Đại học Đà Nẵng phân tích, hệ thống giáo dục ban đầu chỉ trang bị cho mọi người phẩm chất, tri thức, kỹ năng có tính nền móng để tiếp tục phát huy, trau dồi, phát triển ở bậc sau phổ thông. Do vậy, sau khi ra trường, mọi người cần tiếp tục được đào tạo thường xuyên, học tập suốt đời, ở mọi lúc, mọi nơi mới không bị “bỏ lại phía sau” trước những biến đổi vô cùng nhanh chóng của tri thức nhân loại. Các trường đại học chính là nơi hội đủ tiềm năng, nguồn lực để thể hiện vai trò chủ chốt xây dựng cộng đồng, xã hội học tập và học tập suốt đời.
Theo Tiến sỹ Huỳnh Minh Sơn, trường đại học có đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu và sinh viên có trình độ, tri thức, kỹ năng để trở thành lực lượng tiên phong xây dựng xã hội học tập. Trường đại học cũng là nơi có thể chuyển giao, đào tạo các phương thức, phương pháp và kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở của các trường đại học không chỉ đem lại lợi ích cho các thành phần có nhu cầu học tập suốt đời trong xã hội mà còn giúp các trường quảng bá học hiệu; thể hiện vai trò sứ mệnh của một trường đại học gắn kết với người học và cộng đồng. Thông qua các hoạt động tương tác, học tập - nghiên cứu, các tài nguyên của nhà trường sẽ càng trở nên hữu ích, thậm chí được kết nối, gia tăng từ nhiều phía trong quá trình sử dụng, ứng dụng.
Để xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, Tiến sĩ Huỳnh Minh Sơn cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển tài nguyên học liệu, tài nguyên số tại hệ thống các thư viện, trung tâm thông tin - học liệu của các trường đại học. Đồng thời, Bộ xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các trường tìm kiếm đối tác, phát triển các dự án hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực xã hội hóa dưới nhiều hình thức để bổ sung, cập nhật và phát triển các nguồn tài nguyên học liệu.
Các trường đại học cần thay đổi nhanh, thích ứng hơn với phương pháp đào tạo tiên tiến theo hướng mở, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để gắn kết đào tạo với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các trường cần đa dạng hóa các phương thức học tập trực tuyến, xây dựng tài nguyên cơ sở dữ liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu chung kết nối giữa các trường Đại học có cùng lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Trần Phương, Trường Đại học Sư phạm Đại học Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: Các trường đại học với vai trò là nơi đào tạo, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao, là nơi thực hiện các nghiên cứu khoa học đáp ứng việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, vị trí và trách nhiệm tiên phong của các trường đại học trong việc tạo ra các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, trong đó có người lớn là rất rõ ràng. Các trường cần nêu cao vai trò và là địa chỉ để mọi người tìm đến học tập nâng cao trình độ hiểu biết và kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt xác định vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, quản lý, phát triển, chia sẻ các tài nguyên giáo dục mở cho cộng đồng.
Nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời theo các hình thức khác nhau, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuối tháng 9/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài nguyên giáo dục mở, trước hết là đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển, khai thác sử dụng tài nguyên giáo dục mở phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học chủ động hợp tác xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên giáo dục mở với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; chủ động tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc.vn), Việt hóa các nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc tế nhằm giúp người học mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung học tập chất lượng, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời.
Các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với các cơ sở giáo dục thường xuyên biên soạn tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; xây dựng và thực hiện các chương trình, khóa học mở, trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, góp phần tăng tỷ lệ dân số được tiếp cận với giáo dục đại học thông qua giáo dục thường xuyên.
Hiện nay, Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cũng được Bộ giao nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá các tài nguyên giáo dục mở của Việt Nam. Trường Đại học Tôn Đức Thắng thí điểm xây dựng và triển khai mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở cho các trung tâm giáo dục thường xuyên phục vụ học tập cộng đồng.
Như vậy, để xây dựng được các nguồn học liệu mở có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội thì cần các chính sách điều hành vĩ mô phù hợp từ Chính phủ để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội học tập cho người học, vì người học; đồng thời, cần sự vào cuộc, chung tay của ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và các đơn vị cung cấp nội dung số, các nhà mạng viễn thông.