UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ, Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện việc rà soát sắp xếp tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành về tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam nghiên cứu, xem xét để lồng ghép danh hiệu "Gia đình học tập" trong tiêu chí công nhận các đơn vị đạt danh hiệu "Nông thôn mới", "Gia đình văn hóa" theo quy định.
Theo Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", phấn đấu đến năm 2020, 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”; 50% dòng họ được công nhận Danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng (thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương) đạt Danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%; 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt Danh hiệu “Đơn vị học tập”.
Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, trong đó tổ chức nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước về việc thúc đẩy các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, đề xuất các mô hình, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.