Tấm gương tự học suốt đời
Từ kinh nghiệm của bản thân, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Bác khuyên mọi người: “Lấy tự học làm cốt”. Trong các bài nói, bài viết, Bác đều khuyên mọi người phải tự học là chính. Có thể nói, tự học là một trong những yếu tố quyết định tạo nên nhân cách và trí tuệ uyên thâm của Bác Hồ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các em học sinh trường THCS Trưng Vương Hà Nội (5/1956). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phản ánh trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của Bác. Với Bác, học ở trường lớp không nhiều mà tự học là chính. Theo Bác, tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết và rất quan trọng trong quá trình tiếp nhận tri thức. Trong những năm tháng bôn ba hải ngoại, khi làm bồi bếp trên tàu biển, khi thì đốt lò, quét tuyết trong mùa đông băng giá ở nước Anh, khi thì bán báo, làm thợ ảnh, vẽ đồ cổ ở nước Pháp… Bác đều tranh thủ để tự học.
Cần học chữ nào Bác viết lên cánh tay, vừa đi vừa xem, vừa làm vừa học, đến cuối ngày chữ mờ dần cũng là lúc Bác nhớ được hết. Mặc dù công việc nặng nhọc, kéo dài suốt ngày, Bác vẫn tranh thủ tới thư viện đọc sách hoặc nghe những buổi nói chuyện để trau dồi kiến thức. Tối đến, Bác đi dự những cuộc mít tinh, làm quen với các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật để nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Có thể nói, cuộc sống lao động vất vả ấy đã rèn cho Bác ý chí quyết tâm tự học một cách bền bỉ.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học không phải chỉ thực hiện trong một thời gian, một lĩnh vực mà là tự học toàn diện, tự học suốt đời. Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân loại, của dân tộc Việt Nam, do đó Bác không có nhiều điều kiện học tập “chính quy” trên ghế nhà trường, cả cuộc đời của Bác tự học là chính. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, nên phải thường xuyên học và hành để tiến bộ không ngừng…
Sau này, khi nước nhà độc lập, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Bác vẫn tự học qua sách báo và trong thực tiễn. Bằng sự miệt mài và say sưa tự học, Bác đã lĩnh hội được hệ thống tri thức đồ sộ, có được trình độ học vấn uyên bác, tầm hiểu biết toàn diện và sâu rộng đồng thời có sự nhạy cảm sắc sảo với hệ thống tri thức đó.
Vì vậy, bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Bác còn để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản lớn các tác phẩm báo chí và văn học, trong đó, có không ít tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài. Rõ ràng là từ lời nói đến việc làm đều cho thấy, Bác Hồ là một tấm gương học tập suốt đời.
Tấm gương học từ thực tiễn
Những năm sống và hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ đã luôn nêu cao tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn. Chính từ những hoạt động trải nghiệm thực tế tại các nước thuộc địa, các nước thực dân, đế quốc, trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc bị áp bức, Bác đã tìm thấy lý luận Mác-Lênin, cẩm nang thần kỳ để cứu dân, cứu nước.
Và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trên cơ sở kế thừa chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa trí tuệ của nhân loại, Bác đã cùng với Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo lý luận Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Vì thế, Bác luôn nhắc nhở mọi người rằng, làm nghề gì cũng phải học và phải ham học, học trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Học cốt để áp dụng vào công việc thực tế, nếu lý thuyết mà không áp dụng vào thực tế là lý thuyết suông; chỉ học thuộc lòng lý thuyết thì lý thuyết ấy cũng vô ích, mà phải vừa học, vừa làm... Bác cũng nhấn mạnh, muốn giỏi đòi hỏi phải gắn học với thực hành, học để vận dụng sáng tạo vào trong thực tế công tác, trong cuộc sống, học để ứng xử với bản thân, với mọi người, với thực tế cuộc sống, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Có thể khẳng định, chính nhờ tự học và tự học suốt đời đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tầm hiểu biết rộng lớn, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trí tuệ thiên tài. Đúng như nhà nghiên cứu Nga Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.