Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở miền núi, vùng dân tộc. Tỉnh Nghệ An đã tập trung củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông vùng miền núi và dân tộc để tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy học.
Lễ khánh thành Trường Trung học phổ thông Quế Phong. Ảh: baohanoimoi |
Hầu hết cơ sở vật chất vùng miền núi và dân tộc ở Nghệ An được đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình kiên cố hoá trường lớp học, Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ tiểu học vùng khó khăn… Ngoài ngân sách Nhà nước, Nghệ An còn dành 38 tỷ đồng từ nguồn vượt thu để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường bán trú và trường có học sinh bán trú.
Nghệ An có 11 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện núi cao và 4 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu) nằm trong số các huyện nghèo nhất của cả nước. Dân số vùng miền núi chiếm 37% dân số toàn tỉnh, trong đó các dân tộc thiểu có gần 43 vạn người, gồm các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Ơ Đu,... Nhằm nâng cao dân trí, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, tỉnh Nghệ An đã thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông nhằm phát triển giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bích Huệ