Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Australia và TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các cơ sở dạy nghề trên địa bàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xúc tiến hợp tác, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, hướng đến đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên đạt chất lượng cao.
Theo bà Joanna Wood, Tham tán giáo dục Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, hệ thống giáo dục và đào tạo nghề Australia được xây dựng, phát triển dựa trên năng lực; có sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành và doanh nghiệp. Trong đó, các ngành và doanh nghiệp luôn đưa ra các yêu cầu cụ thể về nhu cầu đào tạo, tiêu chuẩn đào tạo những ngành nghề đang bị thiếu để việc đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu của ngành và doanh nghiệp.
Trong tương lai, giáo viên và đánh giá viên là nền tảng của hệ thống dạy nghề hiện đại, là thị trường lao động chất lượng cao, bà Joanna Wood cho rằng, hội thảo nhằm đưa ra giải pháp nâng cao kỹ năng của giáo viên trong việc thực hiện đào tạo nghề dựa trên năng lực. Đào tạo kỹ năng Quốc tế của Australia sẽ hỗ trợ đẩy mạnh kết nối chặt chẽ giữa các trường dạy nghề và doanh nghiệp; tăng cường quan hệ đối tác quốc tế giữa các cơ sở giảng dạy của Australia và Việt Nam; nâng tầm phát triển sự nghiệp cho giáo viên và đánh giá viên dạy nghề...
Bà Bev Jeffreys, Giám đốc dự án cấp cao của học viện Bendigo Kangan - Australia cho biết, chương trình đào tạo giáo viên dạy nghề của Australia, các khóa đào tạo kỹ năng Quốc tế (gồm đào tạo giáo viên nghề, đánh giá viên, đào tạo viên và đánh giá viên cấp cao) sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.
Cụ thể, những khóa đào tạo này sẽ hỗ trợ Thành phố đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề có những kỹ năng cần thiết; xây dựng năng lực giáo viên dạy nghề phù hợp với nhu cầu của ngành nghề; trang bị kiến thức, kỹ năng đào tạo dựa trên năng lực của giáo viên để đảm bảo cho sinh viên học nghề có những kỹ năng tốt nhất, sẵn sàng cho công việc ngay khi tốt nghiệp.
Các chuyên gia Australia cũng đề xuất nhiều giải pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ sở dạy nghề Thành phố nhằm hướng đến tiết kiệm chi phí, nhưng đảm bảo chất lượng hiệu quả các khóa đào tạo...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh, đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố khảo sát, tìm chọn đối tác phù hợp tiến đến liên kết đào tạo đội ngũ giáo viên. Trong đó, hiệu quả của việc đào tạo giáo viên dạy nghề là phải đảm bảo có khả năng hướng dẫn, truyền đạt lại cho các đồng nghiệp để cùng đào tạo thế hệ học sinh, sinh viên học nghề có năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng làm việc được tại các đơn vị doanh nghiệp trong nước và cũng đủ bản lĩnh để làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Lâm đề nghị đại diện phía Australia hỗ trợ hệ thống đào tạo nghề, mở lớp đào tạo giáo viên nghề lần đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo viên dạy nghề khi tham gia khóa học.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về phương thức đào tạo giáo viên để đạt được mục tiêu nhân rộng quy mô giảng dạy; những lợi ích trong việc hợp tác thương hiệu và sự công nhận của Chính phủ Việt Nam đối với các khóa đào tạo kỹ năng quốc tế của Australia. TP Hồ Chí Minh có thể tận dụng các giáo viên từ dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tăng cường kỹ năng của giáo viên nghề thông qua các khóa đào tạo kỹ năng quốc tế….