Không làm xáo trộn các môn học khi giáo dục kỹ năng số trong trường học

Ngày 11/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc họp về triển khai năng lực số đối với học sinh và giáo viên.

Chú thích ảnh
Phòng học số, thư viện số tại trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Khung năng lực số và giáo dục kỹ năng số theo Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo văn bản triển khai Khung năng lực số cho học sinh và giáo viên là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào "Bình dân học vụ số" tới toàn dân.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, dự thảo cần đưa ra những nội dung, tiêu chí cụ thể về Khung năng lực số cho từng đối tượng học sinh ở các cấp học theo Thông tư 02, khi áp dụng phải phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương, nhà trường. Quá trình xây dựng văn bản phải thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng không quá cầu toàn, nhận diện được những thách thức sẽ phải đối mặt.

Về vấn đề tập huấn kỹ năng số cho giáo viên các cấp học, Thứ trưởng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể, các đơn vị phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả. Trên cơ sở đó, xác định hình thức tổ chức, nội dung đưa vào tập huấn để không gây ra những xáo trộn lớn về chương trình. Khi dạy phải có văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính liền mạch, không đứt đoạn.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Thời gian qua, Vụ đã triển khai một số công việc bước đầu, với tinh thần đưa các nội dung vào chương trình học theo hướng tích hợp hoặc tăng cường, đặc biệt là không làm xáo trộn các môn học và đủ căn cứ pháp lý để các nhà trường dễ dàng triển khai.

Trong đó, Vụ Giáo dục phổ thông đã phân tích Chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học và các môn học khác để xác định mức độ, yêu cầu cần đạt về năng lực số theo Khung năng lực số quy định tại Thông tư 02 để xây dựng bảng mô tả chi tiết mức độ, yêu cầu cần đạt về năng lực số các cấp học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, đáp ứng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn giáo dục Việt Nam.

Vụ Giáo dục phổ thông cũng tiến hành phân tích, rà soát Chương trình giáo dục phổ thông đối với từng cấp học, lớp học, môn học, hoạt động giáo dục để tìm ra các địa chỉ có cơ hội thực hiện phát triển năng lực số cho học sinh từng lớp. Sau đó, xây dựng một số nội dung dạy học mới chưa có trong chương trình để đáp ứng theo yêu cầu khung năng lực số đã ban hành. Vụ cũng xây dựng dự thảo công văn hướng dẫn triển khai thí điểm khung năng lực số cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên, gửi văn bản xin ý kiến các đơn vị, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Hội đồng thẩm định tài liệu tập huấn giáo viên giáo dục kỹ năng công dân số, triển khai tập huấn giáo viên cốt cán cho các địa phương.

Báo cáo về dự thảo khung năng lực số dành cho giáo viên, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh cho biết, Cục đã phối hợp với UNICEF và các đơn vị liên quan thành lập Ban nghiên cứu, hoạt động trong suốt thời gian vừa qua, khảo sát ở các địa phương. Trên cơ sở đó, đưa ra dự thảo khung năng lực số dành cho giáo viên và tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý. Theo dự thảo này, các năng lực được chia thành hai nhóm chính: Năng lực số nền tảng và Năng lực số chuyên biệt thể hiện khả năng ứng dụng các giải pháp, công cụ công nghệ số trong triển khai hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.

Tại cuộc họp, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi, thảo luận, góp ý cho quá trình xây dựng dự thảo văn bản này; đồng thời, đề cập tới những thách thức có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai, cần các giải pháp tháo gỡ.

Việt Hà (TTXVN)
Phát triển thư viện số - bồi đắp văn hóa đọc và kỹ năng số cho học sinh
Phát triển thư viện số - bồi đắp văn hóa đọc và kỹ năng số cho học sinh

Việc phát triển các thư viện số đang trở thành mục tiêu của nhiều trường học trên cả nước nhằm đa dạng hóa nguồn tài liệu đọc cũng như nâng cao năng lực số cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN