Một vùng núi Tản sông Đà nhiều huyền thoại vẫn mang nét đẹp cổ xưa. Đỉnh Ba Vì chìm trong mây trắng. Sông Đà mùa nước cạn nhưng cũng vẫn đủ soi bóng núi xanh màu cổ tích. Những cây gạo mấy trăm năm đứng bên sông đang mùa thay lá, chứng nhân cho những đổi thay trên vùng đất này.
Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi, không về cùng non
Câu thơ xưa ngân nga trong lòng mấy thế hệ người Việt được thi nhân viết trong khung cảnh trữ tình này của quê hương, vùng đất cổ gắn với những truyền thuyết về con Lạc cháu Hồng. Sông Đà và núi Tản cùng nhau làm nên bút danh của thi sĩ tài danh Nguyễn Khắc Hiếu, một gương mặt, một cá tính sáng tạo nổi bật trên văn đàn Việt Nam những thập niên đầu của thế kỷ trước.
Đường về Khê Thượng có đoạn chạy dọc theo triền đê, qua những làng xóm lâu đời ở vùng đất này. Những mái đình, mái chùa ẩn dưới bóng đa quen thuộc. Những bến nước bên sông còn thấp thoáng bóng đò... Nét mới ở đây là có những đoạn đường hoa do người dân tự trồng tạo nên một một vẻ đẹp riêng cho những con đường vốn thân thuộc.
Lăng mộ và nhà tưởng niệm thi sĩ Tản Đà được xây dựng trên một khu đất rộng, khang trang. Năm 1996, sau mấy lần dịch chuyển, di cốt của nhà thơ mới được đưa về dây. Tỉnh Hà Tây cũ, với sự giúp đỡ của quỹ văn hoá Thụy Điển, sau đó mới đầu tư xây dựng nơi đây thành khu tưởng niệm. Năm 2004, khu tưởng niệm chính thức được công nhận là di tích quốc gia. Lăng mộ nhà thơ nằm dưới bóng cây xanh. Nhà tưởng niệm ba gian hai chái theo phong cách kiến trúc cổ, xung quanh là vườn rộng. Từ phía cổng vào có cầu dẫn qua hồ nước rộng, phong cảnh tĩnh lặng, gợi hoài niệm về nhà thơ tài hoa, nhà văn hoá Tản Đà.
Chúng tôi thắp hương tưởng nhớ nhà thơ, thăm nhà lưu niệm với các hiện vật, tranh ảnh sách về Tản Đà; gặp gỡ với ông Nguyễn Quốc Vượng, hậu duệ đời thứ tư và hiện là người trông nom khu tưởng niệm.
Ông Nguyễn Quốc Vượng là nhà giáo dạy văn, có làm thơ và dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tiền nhân. Câu chuyện với ông giúp thêm một cách nhìn về cuộc đời nhiều thăng trầm và sự nghiệp đa dạng, đặc sắc của Tản Đà , một ngôi sao sáng trên trên các lĩnh vực thơ ca, báo chí, dịch thuật, sân khấu ...
Qua đời khi mới 50 tuổi, Tản Đà đã kịp để lại một khối lượng lớn các tác phẩm như Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Khối tình con, Khối tình lớn, và nhiều tiểu thuyết, khảo luận trên báo chí thời ấy như Nam Phong Tạp Chí, An Nam Tạp Chí, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Đông Phong Tạp Chí... Tản Đà, qua những sáng tác của mình, đã thể hiện sâu sắc tình yêu đất nước quê hương, sự đồng cảm và chia sẻ với số phận con người, phê phán những thế lực, những thói hư tật xấu, dẫu vẻ bên ngoài lúc sinh thời thường được coi là “ngông” của ông.
Nhà phê bình Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam, đã gọi ông là “nhà thơ của hai thế kỷ”, một gạch nối giữa cổ điển và hiện đại, mở đường cho phong trào thơ mới ra đời. Còn nhà văn Nguyễn Tuân thì nhận xét: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ...”.
Văn tài như vậy, sự nghiệp sáng tác phong phú đặc sắc như vậy, ở một phía khác, cuộc sống của Tản Đà lại không ít thăng trầm, lận đận. Sinh thời, ông tự vẽ chân dung mình: “Trời sinh ra bác Tản Đà. Quê hương thời có cửa nhà thì không. Nửa đời nam, bắc, tây, đông. Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly. Túi thơ đeo khắp ba kỳ. Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...” Và: “Khi làm chủ báo, lúc viết mướn. Hai chục năm dư cảnh khốn cùng”. Thật trớ trêu, những lận đận thăng trầm ấy đeo đuổi nhà thơ đến tận cuối đời.
Nhắc lại với chúng tôi những nỗi niềm ấy của Tản Đà, ông Nguyễn Quốc Vượng chia sẻ :
- Dòng họ chúng tôi, lớp con cháu của Tản Đà, bà con làng xóm quê hương cũng như bao người yêu mến nhà thơ thấy ấm lòng khi cuối cùng, có một khu tưởng niệm về ông được xây dựng khang trang trên quê hương.
Chúng tôi được biết, các thế hệ bạn đọc vẫn tìm về đây như một địa chỉ văn hoá tưởng nhớ đến ông. Ở một số thành phố có đường mang tên Tản Đà. Ngay ở khu tưởng niệm có thi đàn mang tên Tản Đà của những người sáng tác nặng lòng yêu mến ông... Hương hồn của nhà thơ nơi chín suối hẳn sẽ ấm lòng về những điều hôm nay hậu thế dành cho ông. Là một hạnh phúc trọn vẹn khi một nhà thơ, một nhà văn hoá lớn như ông để lại được dấu ấn đặc sắc của tâm hồn mình trong các sáng tác gửi lại cho các thế hệ mai sau.