Nguyễn Khuyến sinh ngày 15/2/1835, mất ngày 5/2/1909 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Kỷ Dậu). Ông đỗ Hoàng Giáp – Đinh Nguyên, đỗ đầu 3 khoa là thi Hương, thi Hội, thi Đình nên được gọi là "Tam Nguyên Yên Đổ".
Là nhà nho yêu nước, ông những mong đem kiến thức để phò vua, giúp nước, giúp dân, nhưng ý chí, lý tưởng, nguyện vọng, mong mỏi của ông đã không gặp thời thế, không thành hiện thực khi mà chế độ phong kiến nước ta “đương buổi cuối mùa” bảo thủ và lạc hậu, lại gặp sự xâm thực của phương Tây nên lộ diện sự yếu hèn và mau chóng tàn lụi. Biết bao sỹ phu văn thân yêu nước đã phát động nhân dân kháng chiến nhưng đều lần lượt thất bại. Tư tưởng của họ khủng hoảng, đường lối cứu nước bế tắc - Nguyễn Khuyến đã ngộ ra điều ấy. Ông khước từ vinh hoa giả tạo mà thực dân phong kiến muốn gán cho bằng thái độ bất hợp tác, về vườn Bùi ở ẩn giữ nhân cách thanh tao, tâm hồn trong sáng.
Hơn 800 tác phẩm thơ, văn và câu đối của ông đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống thơ văn của dân tộc. Nhiều bài thơ tuyệt tác của ông trở thành bất hủ, được đưa vào chương trình giáo dục của trường học, được các nhà sưu tầm nghiên cứu quan tâm, tiêu biểu nhất là ba bài thơ tả mùa thu: “Vịnh mùa thu”, “Câu cá mùa thu”, “Uống rượu mùa thu”. Ông được tôn vinh là “Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”. Trải qua bao biến chuyển xã hội, di sản vật chất và tinh thần của cụ Tam Nguyên Yên Đổ đang được bảo tồn và gìn giữ.
Buổi lễ được tổ chức với các nghi thức tôn nghiêm, tưởng nhớ nhà thơ của làng quê Việt Nam, một cốt cách sống tiêu biểu của một nhà nho yêu nước, một tấm lòng thương dân, yêu dân, qua đó khơi dậy niềm tự hào đối với các tầng lớp nhân dân huyện Bình Lục nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung về truyền thống hiếu học, yêu văn chương, yêu đất nước.
Nhân dịp này, các hoạt động giao lưu thơ, bình thơ, giới thiệu thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến, của các tác giả thơ hiện đại, quê hương Hà Nam, được các câu lạc bộ thơ trong tỉnh tổ chức trang trọng.