Chiềng Đi (Vân Hồ, Sơn La) những ngày giá lạnh, sương mù giăng khắp lối. Vậy nhưng trên đỉnh đồi phía xa vẫn ánh lên “ánh lửa” rực rỡ từ một khung cửi khổng lồ chở đầy lụa non. Đó chính là một phần của tác phẩm sắp đặt “Trở về" của Trần Thị Thu.
Trưởng thành từ vùng cao và tiếp tục sự nghiệp sáng tác với những khoảng trời Tây Bắc, việc vẽ mà nhuộm lên vải lụa thấm vào chị tự nhiên như một nhu cầu của một cô gái miền cao tiếp tục làm việc mà mẹ và bà đã làm. Lụa thấm vào chị trong quá trình tự tìm kiếm bản ngã trong nghệ thuật của mình.
Trong hội họa, lụa mang đầy đủ yếu tố để biến hóa thành các tác phẩm nghệ thuật khi những dải lụa khi thành hình có màu trắng bạch, có tính thấu quang (để ánh sáng đi qua). Đó là lý do mà Trần Thị Thu nhiều lần tổ chức các cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt cùng lụa.
Lụa trong bàn tay người nghệ sĩ không còn là nền cho một bức tranh mà trở thành chủ thể của tác phẩm nghệ thuật. Sau triển lãm Giăng tơ ở Hội An - một điểm thương cảng chủ chốt trên “Con đường tơ lụa trên biển” hồi tháng 1/2020, nay Thu đến với vùng cao nguyên Vân Hồ trong cơ duyên đồng cảm với nghệ sĩ piano Phó An My.
Tinh thần cải cách trong âm nhạc dân gian đương đại đã làm thức tỉnh trong Thu về tinh thần nghệ thuật đương đại, thôi thúc Thu bước vào hành trình trở về vùng đất nơi chị đã lớn lên. Trở về chính thức “rải lụa” tại khu đồi PAM Hill của gia đình nghệ sĩ Phó An My từ đó.
Chia sẻ về triển lãm lần này của mình, chị cho biết: “Tôi khao khát vẽ được bức tranh trừu tượng lớn ngoài không gian thiên nhiên, việc thực nghiệm đó đưa tôi trở về với thực tại. Tôi tìm về một miền, miền đất trừu tượng đầy sự biểu hiện của cá tính trong chính tôi. Tôi đã tìm thấy điều đó trong quá trình thực hành nghệ thuật trong 20 năm qua.
Câu chuyện giăng tơ tôi đã kể trong 2 năm gần đây tại các triển lãm, tại khu vườn tôi giăng vải như mắc cửi hàng ngày, dần như mở ra cho tôi một thách thức mới về không gian. Cứ thế việc vẽ vải trở thành việc thực hành và tìm kiếm không gian của bản thân trong câu chuyện hội hoạ. Mỗi ngày như một đòi hỏi hơn trong chính sự thôi thúc của nội lực của cá nhân, hình như nó cần rộng hơn, cao hơn, xa hơn, có sự trải nghiệm của các loại hình ánh sáng, phụ thuộc vào từng giờ của nắng, của mưa, của bốn mùa.
Tôi mong bức tranh trừu tượng lớn của tôi có được tương tác với thiên nhiên, bảo vệ và duy trì nguồn năng lượng tinh khiết của thiên nhiên vốn có.”
Triển lãm nghệ thuật sắp đặt mang tên “Trở về" cùng tơ, lụa, màu nước, màu acrylic và cả sắt thép đèn LED của họa sĩ Trần Thị Thu được tổ chức giữa sương mù của mùa đông cho tới ánh nắng của mùa xuân tại bản Chiềng Đi (Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La) từ ngày 9/1.
Nghệ sĩ Thu Trần tên thật là Trần Thị Thu (sinh năm 1970), sinh tại Thanh Oai, Hà Nội. Chị là thạc sĩ Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là Giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh của họa sĩ Thu Trần có mặt tại nhiều triển lãm, bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Nữ họa sĩ từng giành giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014, giải khuyến khích khu vực Tây Bắc - Việt Bắc năm 2018, Giải 3 triển lãm Mỹ Thuật Ứng dụng toàn quốc năm tháng 10/2019.