Có lần bạn đồng nghiệp cùng trường than phiền với tôi:
- Học trò bây giờ ngoài lúc học ra là chúi đầu vào máy tính, các vấn đề xã hội khác chúng chẳng hay biết gì.
Tôi không đồng tình với ý kiến đó, bởi lẽ tôi biết học trò ở lớp tôi chúng rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Về vấn đề này, tôi thường tổ chức các cuộc "trắc nghiệm" nho nhỏ vào các buổi sinh hoạt hoặc học ngoại khoá để tìm hiểu ý nghĩ của các em. Dưới đây tôi xin ghi lại kết quả thu được từ vài ba cuộc "trắc nghiệm" của mình.
Một hôm tôi hỏi :
"- Theo các em trong các loài vật thì loài nào khôn nhất?
" Tôi vừa hỏi xong đã có một học sinh trả lời ngay :
"-Thưa cô đó là loài Cá ạ!" Tôi ngạc nhiên hỏi lại :
"- Sao lại là Cá!
" Em học sinh trả lời :
"- Vì Cá chọn dưới nước để sinh sống."
Tôi ngạc nhiên hơn :
"- Sống dưới nước thì liên quan gì tới khôn với dại!
" Em học sinh liền giảng giải rằng:
"- Loài Cá khôn hơn muôn loài ở chỗ, chúng là loài suốt ngày tung tăng bơi lượn, nếu như sống ở trên cạn mà cứ bơi lội tung tăng thì với tình trạng giao thông loạn xì ngầu như ở nước ta hiện nay chắc hẳn loài Cá sẽ bị diệt vong vì tai nạn giao thông!"
Tôi lại hỏi:
"- Trừ loài Cá ra có còn loài vật nào khôn nữa không?"
Có một học sinh khác giơ tay xin trả lời luôn:
"- Thưa cô đó là loài Cò ạ!
" Tôi trợn mắt lên:
"- Con Cò chỉ được cái chân dài, mỏ dài,còn cái đầu bé tí teo thì sao mà khôn được?
"Cậu học trò tủm tỉm cười rồi thưa:
"- Cô ơi thời bây giờ các loại... Cò nhà, Cò đất, Cò công việc, Cò giấy tờ, Cò bằng cấp, Cò bệnh viện, Cò bến xe bến tầu, Cò pháp lý... đầy rấy ra, mà Cò nào thì cũng khôn ranh lọt vành!"
Ở một buổi sinh hoạt khác tôi hỏi các em:
"- Loài nào mạnh mẽ và hung dữ nhất?" Một em nói với tôi:"
- Thưa cô về mức độ hung dữ và mạnh mẽ thì có vài ba loài tương đương nhau, ví như Sư tử, Hổ, Voi... Nhưng các loài ấy không thấm tháp gì so với loài... loài Lâm tặc ạ"Khi tôi còn đang ngơ ngác vì câu trả lời bất ngờ đó, cậu học trò của tôi liền bảo :"- Bao nhiêu rừng vàng gỗ quí, bao nhiêu đông vật hoang dã có danh mục trong sách đỏ đều chẳng bị tiêu diệt dưới bàn tay của Lâm tặc đó sao!"
Trong một buổi "trắc nghiệm" khác tôi không hỏi về các con vật nữa mà lại hỏi về tác dụng của cái Ô (dù). Cả lớp nhao nhao xin trả lời.Tôi chỉ tay vào một cô bé xưa nay có tiêng nhút nhát. Cô bé đứng dậy và nhẹ nhàng nói:
"- Em thưa cô, cái Ô có tác dụng trời nắng che nắng , trời mưa che mưa, làm đồ trang điểm cho các thiếu nữ, làm đạo cụ cho diễn viên múa... Đặc biệt tác dụng lớn nhất của của Ô là... Các cấp trên dùng để che chắn, đậy điệm, dấu diếm cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của cấp dưới thân cận!"
Có một lần tôi cùng các học trò của mình đi dã ngoại. Khi đôi chân đã mỏi nhừ tôi bảo các em nghỉ giải lao. Nhân dịp đó tôi hỏi các em về ích lợi của Thể dục Thể thao. Một học sinh dáng vẻ khoẻ mạnh nhanh nhẹn bảo tôi :
"- Thưa cô Thể dục Thể thao giúp cho thân thể dẻo dai, khoẻ manh cường tráng điều đó là đương nhiên. Ngoài ra có một môn Thể thao còn mang lại lợi ích thiết thực, lớn lao hơn nữa..." Tôi hỏi:
"- Là môn Thể thao gì?"
Học sinh đáp:
"- Thưa cô đó là môn Chạy!" Tôi bảo:"
- Em nói rõ hơn xem nào?"
Cậu học sinh nói lưu loát:
"- Thưa cô nhờ có Chạy... Chạy quyền Chạy chức mà nhiều người "thành ông thành bà". Nhờ có... Chạy mánh mối, Chạy đầu tư, Chạy dự án... mà nhiều người thành tỉ phú. Nhờ có... Chạy án, Chạy tội...mà nhiều ông Quan tham vẫn bình an vô sự hoặc "hạ cánh an toàn ,nhiều kẻ gây ra tội lỗi vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật!"
Ôi! Học trò của tôi, các em đâu có phải không biết gì về các vấn đề của xã hội, thậm chí có em còn biết sâu sắc hơn cả chúng ta ấy chứ.