Người thầy mẫu mực dạy trò bài học làm người
Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Cách đây đã 25 năm, vào dịp gần Tết, mặc dù các trường học ngăn cấm nhưng tình trạng học sinh đốt pháo vẫn diễn ra. Học sinh Lương Thế Vinh cũng không phải là ngoại lệ. Giữa một giờ học yên ả, bỗng dưng, ở lớp học trên tầng cao, chúng con nghe một tiếng nổ to đùng. Không còn nghi ngờ gì nữa, một quả pháo to đã nổ giữa sân trường, mà thủ phạm nhất định là một học sinh nghich ngợm. Khi chúng con đổ ra cửa sổ lớp học để nhìn xuống thì đã thấy sân trường vốn sạch sẽ đầy xác pháo.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn là học sinh trường công lập lúc bấy giờ nhỉ? Nhà trường sẽ nhanh chóng tìm ra "thủ phạm". Học sinh ấy sẽ bị bêu tên trước toàn trường, bị làm bản kiểm điểm… Chúng con khi ấy cũng đã nín thở để đợi nhà trường sẽ kỷ luật bạn học sinh đốt pháo. Dù không đồng tình với hành động ấy nhưng chúng con cũng không khỏi lo lắng cho các bạn mình.
Các thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh không hẹn mà gặp đã cùng nhau tập trung tại nhà tang lễ, xếp hàng chờ đến lượt nhìn người thầy lần cuối. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn không như tưởng tượng của con. Ngay sau vụ nổ pháo, thay vì đi tìm học sinh để kỷ luật, thầy Văn Như Cương tự tay cầm chổi để đi quét dọn hết xác pháo tả tơi dưới sân trường. Hình ảnh thầy râu tóc bạc phơ tự tay, khom lưng đi thu dọn hậu quả học sinh gây ra khiến chúng con áy náy vô cùng. Nhiều bạn học sinh sau đó đã xuống sân trường để cùng thầy thu dọn xác pháo. Bạn học sinh gây ra vụ nổ pháo ngay sau đó cũng đã tự đến gặp thầy để nhận lỗi với thầy. Chả có hình thức kỷ luật nào bị đưa ra như chúng con lo lắng.
Cái tuổi học sinh của chúng con, làm sao tránh khỏi sai sót. Nếu thầy đã dùng hình thức kỷ luật, bạn học sinh đó có thể sẽ “sợ” nhưng cách ứng xử của thầy khiến chúng con cảm phục. Bạn học sinh đốt pháo chắc chắn sẽ không bao giờ làm như vậy một lần nữa. Cá nhân con thầm cảm ơn vì thầy đã cho con bài học: Có nhiều cách để ứng xử với lỗi lầm của người khác!
Với tư cách là một nhà giáo, cô Bảo, giáo viên dạy văn của chúng con khi ấy đã chia sẻ: "Cô chưa thấy một hành động nào đúng tính chất sư phạm như thế!"
Cảm nhận về kỷ luật tự thân
Câu chuyện lùm xùm liên quan đến kỷ luật học sinh gần đây ở trường Lương Thế Vinh khiến một cựu học sinh như con không biết nói sao. Vì khi chúng con là học sinh Lương Thế Vinh cách đây 25 năm, con hoàn toàn không nhớ về một hình thức kỷ luật nào với học sinh. Mà ngược lại, nếu trường công quản lý học sinh bằng kỷ luật thì con cảm thấy, chúng con được quản lý bằng kỷ luật tự thân.
Lớp 12D1 niên khoá 1992-1995, chúng con đến trường học mỗi ngày không phải vì sẽ bị điểm danh mà vì các thầy cô giáo giỏi được thầy chọn về trường đều truyền cho chúng con tình yêu với môn học. Cách ‘thả’ học sinh về kỷ luật (điểm danh, nhắc nhở, kỷ luật) đã khiến học sinh có ý thức tự quản lý bản thân vì thầy cô đã tin tưởng mình. Lớp chúng con có 40 học sinh, năng lực của mỗi người khác nhau nhưng đến bây giờ, điểm danh, điểm mặt đều không xấu hổ vì mình đã thực hiện như lời thầy “trước hết phải làm người tử tế”.
Cho đến hiện nay, sau 25 năm, mô hình trường công - tư - quốc tế vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận, hệ thống trường dân lập (trong đó, trường Lương Thế Vinh là trường dân lập đầu tiên của cả nước) đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu đa dạng và ngày càng phát triển về giáo dục của xã hội. Vậy mới thấy tầm nhìn của thầy về phát triển hệ thống trường dân lập không chỉ có ý nghĩa với mỗi học sinh Lương Thế Vinh mà còn có ý nghĩa với nền giáo dục nước nhà.
Đã hơn 23 năm sau khi tạm biệt mái trường Lương Thế Vinh, nhưng nhiều thế hệ học sinh sẽ vẫn luôn tự hào từng là học sinh Lương Thế Vinh, học sinh của thầy Văn Như Cương.
Tiễn biệt thầy, người đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa với người thân, gia đình và các thế hệ học sinh!