Văn Như Cương - người thầy mẫu mực

Là một hình mẫu “Đồ Nho xứ Nghệ” thích ứng với cơ chế thị trường, thầy Văn Như Cương cũng là một trong những nhà giáo có công tạo dựng nền móng cho hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Hà Nội.

Một nhà giáo mẫu mực

Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, rạng sáng ngày 9/10/2017, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh - trường THPT dân lập đầu tiên ở Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Văn Như Cương sinh ra trong gia đình có truyền thống dạy học ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp trở thành giảng viên của trường này.

Năm 1971, PGS Văn Như Cương hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ.

Trở về nước, ông tiếp tục giảng dạy bộ môn hình học tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.

Ông cũng là chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học… Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Văn Như Cương. Nguồn: vietnamplus.vn

Vào thời kỳ ngành Giáo dục đào tạo khuyến khích xã hội hóa, cho phép mở trường ngoài công lập, năm 1989 PGS Văn Như Cương lập ra Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Đây là một trong những ngôi trường ngoài công lập ở bậc phổ thông đầu tiên tại Việt Nam và cũng là một trong số ít trường ngoài công lập tạo dựng được tên hiệu với chất lượng giáo dục tốt.

Làm Hiệu trưởng trường này từ năm 1989 đến năm 2014, thầy là linh hồn của trường. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, hiện thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường.

Là trường tư thục đầu tiên của cả nước, Lương Thế Vinh cũng nổi tiếng bởi chủ trương: “Dạy thật, học thật” do chính thày Văn Như Cương đề ra.

Là một hình mẫu “Đồ Nho xứ Nghệ” thích ứng với cơ chế thị trường, thầy Văn Như Cương cũng là một trong những nhà giáo có công tạo dựng nền móng cho hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Hà Nội.

Tư tưởng giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, phấn đấu tất cả vì học sinh đã được PGS Văn Như Cương áp dụng triệt để tại Lương Thế Vinh. Đây cũng là trường đầu tiên thực hiện đánh giá giáo viên qua học sinh.

Định kỳ mỗi năm, nhà trường phát phiếu đánh giá giáo viên tới từng học sinh. Ngoài ra, trường cũng khảo sát bất chợt ý kiến học sinh về chất lượng giáo viên. Đây là những kết quả quan trọng quyết định giáo viên có tiếp tục được giảng dạy ở trường hay không.

Thầy cũng là người mạnh dạn phát ngôn và đề ra các phương án đổi mới giáo dục, chống tiêu cực thi cử, gian dối trong trường học, bạo lực học đường, lương tâm người làm nghề giáo, phẩm chất của học sinh… Phần lớn các ý kiến của thầy đều rất thẳng thắn, cương trực và có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Nhiều đồng nghiệp của thầy Văn Như Cương nhận định, thầy có phương pháp sư phạm tuyệt vời, luôn biến cái phức tạp thành đơn giản. Trong lời giảng luôn có sự liên hệ với thực tế, biến những thuật toán thành những câu đố vui, những câu chuyện gần gũi trong đời sống, thậm chí thành trò chơi khiến học sinh hứng thú, dễ học, dễ hiểu.

Dành hết tình yêu cho học trò

Bao dung, nhân hậu, gần gũi, dí dỏm và luôn tận tâm với học trò, đau đáu vì sự nghiệp giáo dục con người… là một trong những điểm chung thú vị của thầy Văn Như Cương ngoài đời thực.

Thầy khiến học trò ấn tượng với dáng người gầy, chòm râu dài bạc phơ, luôn đeo cặp kính lộ đôi mắt sáng, tinh anh, nhân hậu. Thầy đã dành trọn cả đời mình cho học trò, giáo dục, cho ngôi trường Lương Thế Vinh.

Tình yêu thương học trò của thày Cương thể hiện ngay ở cách chọn lựa giáo viên giảng dạy tại Lương Thế Vinh. Ngoài vòng xét tuyển hồ sơ, kinh nghiệm dạy học, tất cả giáo viên trước khi về trường công tác còn phải qua một buổi phỏng vấn trực tiếp với thầy Cương. Thày luôn đặt những câu hỏi để kiểm tra người giáo viên có tình yêu, sự quan tâm tới học sinh hay không.

Không chỉ học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, những thế hệ học trò của thầy, thậm chí cả người chưa từng gặp mặt đều chờ đợi mỗi dịp khai giảng để lắng nghe những lời tâm huyết của thày giáo đáng kính. Từng bài phát biểu của thày đều rất xúc động bởi chứa đựng những lời răn đầy ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống học trò.

“Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ”, "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"... Những câu nói của thầy vừa sắc sảo, vừa bao hàm nhiều triết lý về giáo dục.

Trong cách giao tiếp với học sinh, thầy Văn Như Cương cũng đã từng nói: "Nhiều người nói giới trẻ ngày nay đang biến chất và quay lưng lại với thuần phong mĩ tục của dân tộc. Theo tôi thì không phải như vậy. Không thể bắt các em xem cải lương, dân ca hay tuồng chèo hàng ngày. Những giá trị đó thì ai cũng biết, cũng hiểu và tôn trọng nhưng nó không phù hợp với bọn trẻ. Thế nên đừng vì đó mà quy kết rằng các em quay lưng lại với truyền thống. Tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều ở tuổi 17 bây giờ".

Thày căn dặn học trò: “Hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không lên mạng để “câu giờ”, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí…”

Bên cạnh đó, thầy cũng đề cập đến những vấn đề "nóng" trong giáo dục: “Hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu".

“Hãy học tập hết mình, học chủ động, sáng tạo, không hời hợt qua loa. Ngoài giờ lên lớp hãy tự học chứ đừng đi học thêm. Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vũng kiến thúc và linh hoạt áp dụng. Còn học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ dần trở thành “thiểu năng”. Nên biết rằng trong kì thi vào đại học, cao đẳng vừa qua 80% thủ khoa là ở vùng nông thôn, trong số đó phần lớn là không đi học thêm. Đó là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ”…

Năm 2014, thầy đã tạo ra một lễ khai giảng độc đáo ở trường mình với màu cờ đỏ và bài diễn văn gây xúc động hàng triệu trái tim: “Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô”…

Hơn 70 năm hoạt động giáo dục, gần 30 năm xây dựng và gắn bó với mái trường THPT Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương để lại trong lòng thế hệ học trò hình ảnh một người thầy tận tâm, mẫu mực, hết lòng vì nghiệp trồng người. Các bạn học sinh còn gọi thầy với cái tên vô cùng ấm áp: Ông tiên tóc bạc….

Thùy Linh (TTXVN)
Thầy giáo Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80
Thầy giáo Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80

Rạng sáng 9/10, PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN