Để minh bạch và phần nào giải đáp thắc mắc cho người dân, ngày 25 và ngày 26/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác ghi chỉ số, xuất hóa đơn điện, với sự tham gia của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và nhiều cơ quan báo chí.
Công tơ có chính xác?
Theo báo cáo từ Tổng công ty Điện lực Hà Nội, sang tháng 6/2020, hầu hết các khách hàng đều sử dụng tăng so với tháng 4,5/2020. Đặc biệt tỷ lệ tăng mạnh ở các khách hàng sử dụng điện ở các bậc cao từ trên 500 kWh.
Khảo sát tại Điện lực Thanh Xuân – thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, trong tháng 4 và tháng 5, công ty này đã phúc tra gần 3.000 công tơ điện/tháng, nhưng đến tháng 6, số lượng công tơ phải phúc tra vì tăng chỉ số tiêu thụ điện trên 30% lên đến hơn 63.600 công tơ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ băn khoăn, công tơ điện khi đi vào hoạt động có được kiểm định, dán tem để minh bạch, công khai cho người dân biết hay không? Các thắc mắc của người dân đã được giải quyết chưa và được bao nhiêu phần trăm?
Theo bà Tô Lan Phương, Trưởng ban kinh doanh - Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, về quy trình kiểm định công tơ, trước khi đưa vào hoạt động, các công tơ đều đã được kiểm định, dán tem, kẹp chì tại cơ quan Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ngoài ra, khi khách hàng có nhu cầu, công ty điện lực sẽ đến và tháo công tơ trước sự chứng kiến của khách hàng, mang đi kiểm định. Khi kiểm định tại trung tâm kiểm định Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội - nếu khách hàng không có kiến nghị, thắc mắc gì, kết quả kiểm định đó sẽ được công nhận.
“Nếu thắc mắc và muốn kiểm định ở một cơ sở độc lập, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm định ở các cơ quan quản lý nhà nước của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, bà Phương nói.
Tìm hiểu thực tế tại gia đình anh Trịnh Trường Thành (số 62 ngõ 64 Vũ Trọng Phụng – Thanh Xuân) mới nhận hóa đơn tăng cao gần gấp đôi, tháng trước là 1,2 triệu đồng, nhưng tháng này là 2,2 triệu đồng. Anh Thành cũng thắc mắc nguyên nhân tại sao hóa đơn tăng như vậy trong khi các thiết bị sử dụng điện trong gia đình không tăng lên.
“Ngay khi gọi điện thì anh em ngành điện đã lập tức xuống kiểm tra công tơ, giải thích và có bảng so sánh để gia đình nắm được, đồng thời cũng hướng dẫn gia đình một số cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn”, anh Thành chia sẻ.
Tại gia đình ông Hà Văn Dũng (A3 khu tập thể bệnh viện nội tiết), sử dụng điện cũng đã tăng từ 400 kWh lên 900 kWh. Ông Dũng đã yêu cầu ngành điện kiểm định lại công tơ điện.
“Ngành điện đã cử người xuống và cùng với gia đình đi kiểm định, thì mọi tiêu chuẩn đều đạt. Sau khi ngành điện cũng có lý giải vì sao tăng chỉ số điện, chúng tôi cũng không có thắc mắc gì thêm”, ông Dũng cho biết thêm.
Một điều rất dễ thấy là với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ, lượng tiêu thụ điện năng và chi phí tăng trong thời gian qua. Khi sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ, điện năng sử dụng của thiết bị này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng. Nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì thiết bị điều hoà nhiệt độ sẽ phải hoạt động nhiều hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2% đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.
Theo đại diện Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hiện trên địa bàn Hà Nộ có ít nhất 8 tổ chức kiểm định công tơ điện, gồm 3 đơn vị công lập và 5 đơn vị doanh nghiệp ngoài. Người sử dụng hoàn toàn có quyền lựa chọn tổ chức kiểm định. Cũng phải nói thêm, trước khi đưa vào sử dụng, các thiết bị công tơ đo đếm đều phải được kẹp chì, dán tem kiểm định theo quy định của pháp luật.
Thực tế qua kiểm tra tại Hà Nội trong 2 ngày qua, hầu hết phía khách hàng đã thống nhất với kết quả kiểm định, không đề nghị tiếp tục khiếu nại khác. Khách hàng cũng đã nhận định quá trình kiểm định khách quan. Như vậy có thể khẳng định là không có vấn đề gì về công tơ cả.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục này cũng kiến nghị, ngành điện nên có biện pháp khắc phục sai sót trong quá trình ghi nhận và thu thập số liệu đo đếm từ công tơ đến các bộ phận hóa đơn. Ngoài ra, EVN cũng chỉ đạo cơ quan điện lực tăng cường quản lý, theo dõi quá trình vận hành điện trên lưới, giảm thiểu quá trình sai hỏng chỉ số trên công tơ...
Tiến tới sử dụng hoàn toàn công tơ điện tử
Công ty Điện lực Thanh Xuân hiện nay đang áp dụng bán điện trên lưới là 100% công tơ điện tử.
Theo ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc PC Thanh Xuân, các công tơ được đo từ xa qua công nghệ cao, hoàn toàn tự động. Sau khi nhận dữ liệu, bộ phận điều hành sẽ xuất toàn bộ bảng kê công tơ có sản lượng bất thường gửi về đội quản lý thực hiện phúc tra. Sau khi hoàn tất phúc tra, đội quản lý xác nhận số liệu và phòng kinh doanh ký bảng kê và lập hóa đơn trên CMIS.
Kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ tại khu vực Mê Linh, địa bàn này có khoảng hơn 63.000 công tơ điện tử, cho kết quả tự động; nhưng vẫn còn tới hơn 10.000 công tơ cơ khí phải đo bằng máy tính bảng kết hợp camera.
Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Điện lực Mê Linh, thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, việc thông báo sản lượng điện tới khách hàng được công khai qua Zalo, Email, SMS hoặc giấy thông báo cho khách hàng. Nếu khách hàng có thắc mắc, kiến nghị, công ty sẽ phân công và đảm bảo giải quyết thực hiện trong 30 phút, xuống làm việc trực tiếp để trao đổi, giải thích với khách hàng.
Những năm qua, không thể phủ nhận, ngành điện đã đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống lưới điện, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đặc biệt là triển khai hệ thống công tơ điện tử, giúp thu thập chỉ số tiêu thụ điện một cách tự động và thực hiện từ xa để tránh can thiệp, tiếp xúc của con người.
Tuy nhiên đâu đó, vẫn có những sai sót liên quan đến sai hóa đơn tiền điện. Cụ thể là mới đây, ngành điện đã đình chỉ nhiều lãnh đạo điện lực tại Quảng Ninh, Quảng Bình...
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, một số sai sót có thể ở các công tơ cơ khí, người công nhân trực tiếp đọc chỉ số công tơ này, và ghi chỉ số vào máy. Với nắng nóng và cường độ làm việc lớn, nên việc đọc chỉ số, ghi chỉ số cũng đôi lúc có những sai lệch. Ngoài ra, các công ty điện lực sẽ có bộ phận tra lại chỉ số này. Ở khâu này, cũng đã có những nhân viên chưa làm tròn trách nhiệm của mình, không phát hiện ra những sai số làm tăng hóa đơn tiền điện của người dân.
“Thời gian tới, EVN sẽ áp dụng mạnh hơn các công tơ điện tử vào hoạt động của ngành, hiện đại hóa hệ thống lưới điện để giảm sự tham gia của con người vào công tác ghi, đọc số liệu và kiểm soát dữ liệu”, ông Dũng nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, để giảm thiểu sai số trong quá trình thu thập chỉ số tiêu thụ điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị đo điện từ công tơ cơ sang công tơ điện tử. Đây cũng là biện pháp nhằm tăng tính minh bạch của ngành điện cũng như khả năng giám sát của người dân.
Dự kiến, năm 2025, có 3 tổng công ty điện lực TP Hà Nội, miền Trung, TP.Hồ Chí Minh sẽ lắp đặt 100% công tơ điện tử, các tổng công ty Điện lực còn lại sẽ có khoảng 70% công tơ điện tử. EVN cam kết từng bước hiện đại hóa, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo việc thu thập và theo dõi dữ liệu chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng được thuận tiện...